Lời khuyên để các cặp vợ chồng duy trì hạnh phúc trong hôn nhân đó là yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. (Ảnh minh họa: Shutterstock)
Nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ trong hôn nhân
Gần đây, quan hệ giữa nàng dâu và gia đình nhà chồng, con rể và gia đình nhà vợ đang là vấn đề được nhiều cặp đôi trẻ quan tâm.
Như câu chuyện được chia sẻ trên các hội nhóm kín của một tài khoản tên S (sinh sống ở Hà Nội). Được biết, chị S quen chồng tên P từ thời sinh viên, chồng chị là một người hiếu thuận với mẹ (do bố anh mất sớm). Gia đình trẻ còn nhiều khó khăn, anh P muốn vợ quan tâm, săn sóc nhiều hơn đến gia đình chồng. Chị S thấu hiểu hoàn cảnh của chồng, nên dành toàn bộ thời gian vun vén cho gia đình bên nội. Hai anh chị dành dụm những từng đồng lương, thậm chí chị còn không dám gửi tiền về hỗ trợ các em đang đi học ở nhà. Ngược lại, chồng chị sẵn sàng lấy tiền tiết kiệm ra để lo việc gả chồng cho em gái.
Ngược lại với chị S là câu chuyện khác của anh T.D.D từng được chia sẻ trên truyền thông vào năm 2023. Mặc dù đã kết hôn cùng nhau, nhưng vợ anh vẫn dành phần lớn sự quan tâm cho gia đình mẹ đẻ. Anh D cũng thông cảm cho vợ mình. Nhưng đỉnh điểm, sau 7 năm kết hôn, vợ chồng anh bán căn nhà đang sống và được một số tiền khá lớn. Anh dự định mua một căn nhà nhỏ khác và dành dụm tiền chăm lo cho vợ con. Tuy nhiên, gia đình nhà vợ muốn mượn anh số tiền bán nhà để lo một số chuyện. Anh đã bàn bạc và từ chối yêu cầu của vợ, vợ anh vẫn nghe lời khuyên của nhà đẻ, lén lấy tiền đem cho vay. Từ đó, vợ chồng anh D thường xuyên cãi nhau, nhà ngoại cho rằng anh keo kiệt, bủn xỉn và khuyên vợ anh ly hôn.
Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có khoảng 600 nghìn vụ ly hôn. Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 - 30, 60% ly hôn sau từ 1 - 5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày. Trong đó, 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm khoảng 6,7%.
Một phần lớn và sâu xa dẫn tới tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng, đặc biệt với các cặp vợ chồng trẻ là do họ thiếu kỹ năng sống. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi đời còn trẻ, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, kinh tế, sức khỏe và những hiểu biết cần thiết cho cuộc sống gia đình. Các cặp đôi quá đề cao cái tôi của bản thân, kỳ vọng cao vào người bạn đời sẽ làm hài lòng mình.
Thực tế, ngày nay, dù xã hội đã có những tiến bộ nhất định về suy nghĩ, nhận thức. Tuy nhiên, trong hôn nhân, một số quan niệm truyền thống “cũ” vẫn còn lưu giữ. Ví dụ như người phụ nữ “thuyền theo lái, gái theo chồng”, họ phải dành toàn bộ chăm sóc cho gia đình nhà nội. Hoặc ngược lại, quan niệm người đàn ông làm trụ cột vẫn còn nặng nề, người chồng không chỉ phải lo cho vợ con, mà cần trở thành “điểm tựa” cho cả nhà nội và ngoại. Vì vậy, dẫn đến rất nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ trong nuối tiếc.
Để cân bằng giữa hai bên gia đình
Theo một nghiên cứu của cặp vợ chồng nhà tâm lý học John Gottman và Julie Gottman (Học viện Gottman, New York, Mỹ) cho thấy, các cặp đôi tạo ra những “thảm họa” hôn nhân thường có xu hướng công kích, trốn tránh nhau thay vì ngồi lại bình tĩnh nói chuyện khi có các vấn đề xảy ra. Vì vậy, sau hàng loạt nghiên cứu, hai chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên để các cặp vợ chồng duy trì hạnh phúc trong hôn nhân đó là yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.
Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, chuyên gia tư vấn tình cảm, chị Tâm Anh, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Hạnh Phúc cho biết, khác với thời gian yêu nhau, khi kết hôn, các cặp vợ chồng trẻ sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề, từ tính cách, thói quen cho đến mối quan hệ dòng họ, gia đình hai bên,...
Để hòa hợp trong việc “đối nội, đối ngoại” đòi hỏi mỗi cá nhân phải hạ cái tôi xuống, thay vì than vãn, oán trách nhau và biến mình trở thành “nạn nhân” trong cuộc hôn nhân. Người vợ, người chồng nên tìm cách thích nghi với cuộc sống, dung hòa với người bạn đời của mình. Thay vì tạo ra mâu thuẫn, cãi nhau, các cặp đôi cần có thời gian riêng để suy nghĩ, đi sâu vào bên trong của mình. Sau khi đã bình tĩnh, các cặp vợ chồng nên có một buổi nói chuyện, chia sẻ và dành sự cảm thông cho nhau. Từ đó tìm ra giải pháp chung cùng cân bằng mối quan hệ “nội - ngoại” trong gia đình.
Hương Ngọc