Căn bệnh ung thư khiến mỗi năm hơn 4.600 phụ nữ Việt Nam mắc, gần 2.600 ca tử vong

Căn bệnh ung thư khiến mỗi năm hơn 4.600 phụ nữ Việt Nam mắc, gần 2.600 ca tử vong
14 giờ trướcBài gốc
Những số liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và đẩy mạnh các chương trình sàng lọc, phòng ngừa, cũng như điều trị ung thư cổ tử cung tại Việt Nam.
"Ung thư cổ tử cung là loại ung thư hoàn toàn có thể dự phòng được hoặc có thể sàng lọc phát hiện sớm với những biện pháp khá đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả để điều trị kịp thời. Ở Việt Nam, vaccine HPV đã bắt đầu được cung cấp dưới dạng vaccine dịch vụ từ năm 2009"- GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia đã thông tin như vậy tại tọa đàm về ung thư cổ tử cung được tổ chức hôm nay - 4/12 với chủ đề "Ung thư cổ tử cung - Tác động và cơ hội loại trừ".
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu tại tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (GLOBOCAN) gánh nặng ung thư toàn cầu tiếp tục gia tăng đáng kể. Trên thế giới, năm 2022 ghi nhận gần 19,3 triệu ca mắc mới và 9,9 triệu ca tử vong do ung thư.
Ung thư phổi và ung thư vú là hai loại ung thư phổ biến nhất, chiếm lần lượt 12.4% và 11.5% tổng số ca mắc mới. Bên cạnh đó, ung thư cổ tử cung đứng thứ 4 về số ca mắc mới ở nữ giới với 662,301 trường hợp, gần 7% tổng số ca mắc mới ở nữ giới và 348,874 ca tử vong, tương đương 3.6% tổng số ca tử vong do ung thư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng cho biết thêm, đối với sàng lọc ung thư cổ tử cung, Việt Nam đã có hệ thống sàng lọc từ tuyến y tế cơ sở nhưng còn nhiều khá nhiều bất cập. Việc triển khai các chương trình sàng lọc, phát hiện và điều trị các tổn thương sớm ở cổ tử cung còn tản mạn, mới chỉ ở cấp độ dự án thử nghiệm, thiếu tính đồng bộ và thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Kiến thức, thái độ và hành vi của cộng đồng về việc dự phòng, sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí cho các loại xét nghiệm sàng lọc chủ yếu từ tiền túi của người dân trong khi các biện pháp sàng lọc hiện đại như xét nghiệm tế bào học dịch cổ tử cung, xét nghiệm tìm vật chất di truyền của HPV… đều có chi phí khá cao và chưa có BHYT chi trả.
Quang cảnh tọa đàm.
Đây cũng là một trong những rào cản lớn nhất trong việc tăng cường tiếp cận, mở rộng dịch vụ sàng lọc, thực hiện có hiệu quả việc phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung ở Việt Nam.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị, thông qua tọa đàm các đại biểu thảo luận tìm ra giải pháp để cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ dự phòng và sàng lọc ung thư cổ tử cung, cụ thể như nâng cao tỷ lệ tiêm phòng HPV và sàng lọc định kỳ trong cộng đồng, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa; ứng dụng các giải pháp công nghệ trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh; cũng như tăng cường sự hợp tác liên ngành và huy động các nguồn lực xã hội hóa để đảm bảo tính bền vững của các chương trình, góp phần giảm tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư cổ tử cung, tiến tới loại trừ bệnh này tại Việt Nam trong thời gian tới.
ThS.BS Tổng Thị Song Hương - Tổng hội Y Dược Việt Nam tham luận tại tọa đàm.
Cơ hội lớn để giảm thiểu gánh nặng và tiến tới loại trừ hoàn toàn căn bệnh ung thư cổ tử cung
Chia sẻ về chính sách và dự phòng kiểm soát ung thư cổ tử cung tại Việt Nam, ThS.BS Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết: Kế hoạch hành động quốc gia về Dự phòng và kiểm soát ung thư cổ tử cung giai đoạn 2016-2025 của Bộ Y tế đã đề ra mục tiêu là 25% phụ nữ và trẻ em gái được tiêm vaccine HPV, 60% phụ nữ tuổi 30-54 được sàng lọc và 90% phụ nữ có tổn thương cổ tử cung được điều trị. Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu về tiêm vaccine và sàng lọc.
Với những tiến bộ vượt bậc trong khoa học kỹ thuật, đặc biệt là sự phát triển của vaccine phòng ngừa, các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các tổn thương tiền ung thư đang có cơ hội lớn để giảm thiểu gánh nặng và tiến tới loại trừ hoàn toàn căn bệnh ung thư cổ tử cung.
"Để đạt được mục tiêu cao cả này phải đối mặt và vượt qua nhiều thách thức, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về cơ chế, chính sách. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan là yếu tố quan trọng để đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ dự phòng và sàng lọc với chất lượng cao và chi phí hợp lý hơn"- ThS.BS Đinh Anh Tuấn cho biết.
ThS.BS Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em tham luận tại tọa đàm.
Ths.BS Đinh Anh Tuấn cho biết thêm, để góp phần thúc đẩy các giải pháp phòng chống, ung thư tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 104/NQ-CP ngày 15/08/2022, trong đó nhất trí đưa vaccine HPV vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) từ năm 2026.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Đề án này đưa ra các giải pháp xã hội hóa, nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung cho phụ nữ, với mức chi phí phù hợp, góp phần tăng cường công tác phòng ngừa và phát hiện sớm căn bệnh nguy hiểm này.
Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/can-benh-ung-thu-khien-moi-nam-hon-4600-phu-nu-viet-nam-mac-gan-2600-ca-tu-vong-169241204183500288.htm