'Cán bộ lấy gà trừ nợ được không?' – Câu hỏi khiến cán bộ thi hành án day dứt nơi núi rừng Bắc Kạn

'Cán bộ lấy gà trừ nợ được không?' – Câu hỏi khiến cán bộ thi hành án day dứt nơi núi rừng Bắc Kạn
5 giờ trướcBài gốc
Ông Trần Văn Hương, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Ba Bể - Bắc Kạn (Ảnh: Lê Hanh)
Từ miền Trung nắng gió đến miền núi phía Bắc
Sinh ra trong một gia đình đông con tại xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, vùng đất miền Trung khắc nghiệt nhưng giàu truyền thống hiếu học, ông Hương đã sớm thấu hiểu cái giá của tri thức và sự vươn lên. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông đã trải qua nhiều công việc để tự lập và phụ giúp gia đình. Tuy vậy, trong lòng luôn nung nấu một khát vọng vươn xa bằng con đường học vấn.
Vượt qua nhiều khó khăn, năm 1997, ông thi đỗ vào hệ tại chức Khoa Luật của Trường Đại học Luật Hà Nội. Tốt nghiệp năm 2003, ông Hương dự tuyển vào ngành thi hành án dân sự tại tỉnh Bắc Kạn, chính thức bước vào con đường mà ít người trẻ lúc bấy giờ dám chọn: công tác THADS ở địa bàn vùng cao mới thành lập là huyện Pác Nặm.
Hành trình gắn bó với vùng cao
Năm 2003, ông nhận nhiệm vụ tại huyện Pác Nặm, đây là một trong những huyện nghèo và khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, nơi vừa được thành lập, thiếu thốn mọi mặt từ cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông đến đội ngũ cán bộ. Ông đến nơi trong những ngày đầu hệ thống tổ chức còn sơ khai, làm việc trong căn nhà thuê tạm bợ, sử dụng chung với nhiều đơn vị chức năng khác.
Công tác tại địa bàn mà hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, rào cản ngôn ngữ là một trong những thử thách đầu tiên và lớn nhất. Người dân nơi đây không rành tiếng phổ thông, đa phần sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong sinh hoạt thường ngày, trình độ dân trí hạn chế, kinh tế dựa vào làm nương rẫy, cuộc sống còn chật vật với từng bữa ăn.
Thi hành án dân sự vốn là công việc nhạy cảm, đụng chạm đến quyền lợi, tài sản của người dân nên luôn gặp khó khăn trong quá trình vận động, thuyết phục. Nhưng với sự tận tâm, linh hoạt trong phương pháp làm việc, ông Hương từng bước tháo gỡ vướng mắc, chọn cách tiếp cận mềm mỏng, kiên nhẫn, gần dân để từng bước tạo được niềm tin trong lòng người dân vùng cao.
Kỷ niệm không thể quên
Đối với ông Hương, hành trình công tác hơn hai thập kỷ qua có biết bao kỷ niệm, nhưng câu chuyện về lần đi thu khoản án phí chỉ 500.000 đồng tại một bản nghèo vẫn khiến ông nhớ mãi không quên.
Trong một lần đi cơ sở đôn đốc thu tiền án phí và truy thu 500.000 đồng của một đương sự ở một xã vùng cao cách trung tâm huyện khoảng 20km, ông Hương đã trải qua một chuyến đi đầy thử thách. Tại đây, giao thông khó khăn, đường đi chỉ là những con đường mòn nhỏ, có đoạn phải đi bộ đến 3km giữa núi rừng.
Người phải thi hành án là người chồng đang đi chấp hành án, ở nhà chỉ còn lại người vợ và hai đứa con nhỏ. Người vợ đang mang bệnh, sức khỏe yếu, cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Nhìn vào cảnh nhà, ông Hương cảm nhận rõ ràng rằng việc thu được số tiền 500.000 đồng án phí sẽ là điều gần như không thể.
Dù vậy, cán bộ thi hành án vẫn kiên trì giải thích, vận động và thuyết phục vợ tự nguyện nộp thay cho chồng. Nhưng với cuộc sống của đồng bào dân tộc vùng cao, 500.000 đồng không phải là số tiền nhỏ. Đó là cả một vấn đề lớn, bởi cuộc sống hàng ngày họ còn chưa đủ ăn, mọi thứ đều thiếu thốn.
Người dân chỉ trông vào làm nương làm rẫy, chăn nuôi vài con gà nhưng cũng không dám mổ ăn mà phải giữ đến phiên chợ bán để lấy tiền mua những vật dụng tối thiểu như mắm muối, gạo, đồ dùng sinh hoạt. Trẻ con trong nhà, ăn được gói mì tôm và hộp sữa là điều xa xỉ.
Chứng kiến cảnh này, ông Hương cũng không nỡ tiếp tục vận động thêm. Khi đoàn công tác lặng lẽ ra về, bỗng nghe tiếng gọi từ cổng: “Cán bộ có lấy gà trừ nợ được không?”
Câu hỏi khiến ông Hương vừa ái ngại vừa day dứt. Ái ngại vì đường đi lại khó khăn, lại sợ người dân hiểu sai, nghĩ cán bộ xuống bắt gà của dân trừ nợ. Rất may, trưởng thôn đi cùng đã đứng ra giúp đỡ.
Ông Hương đề nghị: “Chị hãy bán cho chúng tôi một con gà lấy tiền nộp cho chồng với giá 500.000 đồng”. Người vợ đồng ý và bắt gà.
Thế nhưng, ông Hương để gà cho các cháu ăn và dùng tiền cá nhân cùng tiền công tác phí trong ngày để nộp thay cho chị vợ đương sự số tiền án phí. Hơn nữa, đoàn công tác còn gom góp thêm được 300.000 đồng để tặng các cháu mua sữa.
Ông Hương cho rằng, giá trị của nghề thi hành án đôi khi không nằm ở những con số hay tỷ lệ thu hồi, mà ở những khoảnh khắc khiến ta sống nhân ái hơn, sâu sắc hơn và gần dân hơn.
Bền bỉ cống hiến, kiên định với nghề
Sau hơn 15 năm công tác liên tục tại các huyện vùng cao như Pác Nặm, Chợ Mới và hiện tại là Ba Bể, ông Trần Văn Hương luôn là một trong những cá nhân tiêu biểu, đi đầu trong phong trào thi đua của ngành.
Từ một chuyên viên THADS, ông được bổ nhiệm Phó Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Pác Nặm (2011), sau đó là Phó Chi cục trưởng huyện Chợ Mới (2014). Năm 2020, đồng chí được bổ nhiệm Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Ba Bể và tiếp tục tái bổ nhiệm nhiệm kỳ 2025–2030.
Trong hơn 22 năm công tác, ông có hơn 15 năm phải xa vợ, xa con, vượt hơn 100km đường núi để cống hiến cho nghề.
Dù ở cương vị nào, ông Hương cũng luôn nỗ lực học tập, rèn luyện, tích cực nghiên cứu, áp dụng linh hoạt các phương pháp nghiệp vụ, đồng thời chú trọng công tác dân vận, một yếu tố then chốt trong thi hành án dân sự, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Những sáng kiến, cách làm sáng tạo và hiệu quả của ông đã góp phần giúp đơn vị luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu được giao. Từ năm 2020 đến nay, Chi cục THADS huyện Ba Bể liên tục đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen (2021), được tặng Cờ thi đua ngành Tư pháp (2022) và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cá nhân ông Hương cũng vinh dự được công nhận là Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp (2022), nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (2021), Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn (2023), và được đề nghị công nhận là cá nhân điển hình tiên tiến cấp cơ sở giai đoạn 2020–2025.
Không phô trương, ông Trần Văn Hương đã viết nên một câu chuyện nghề mộc mạc nhưng đong đầy cảm xúc giữa núi rừng Bắc Kạn. Đó là câu chuyện của một người cán bộ thi hành án “nói ít, làm nhiều”, luôn chọn cách gần dân, hiểu dân và vì dân, đặc biệt là những người dân ở nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn.
Từ câu chuyện của ông Hương, có thể thấy: Nghề thi hành án dân sự không chỉ là sự dũng cảm đối mặt với áp lực, mà còn cần một trái tim đủ ấm để thấu hiểu và sẻ chia. Chỉ khi đó, pháp luật mới không đơn thuần là những con chữ khô khan, mà thực sự trở thành công cụ vì con người, vì công lý và vì sự phát triển bền vững của xã hội.
Lê Hanh
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/can-bo-lay-ga-tru-no-duoc-khong-cau-hoi-khien-can-bo-thi-hanh-an-day-dut-noi-nui-rung-bac-kan-post549181.html