Chuyên gia, diễn giả cùng lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền trao đổi, chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng Giao thông công cộng (TOD) tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường cho biết, tại kỳ họp bất thường Quốc hội lần thứ 9, khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 188 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, dự kiến đến năm 2035 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng hoàn thành tổng cộng khoảng 355km đường sắt đô thị.
Cuối năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố kế hoạch triển khai 11 vị trí TOD dọc tuyến metro và vành đai 3 trong tương lai gần, tận dụng lợi thế từ các cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 98.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường: Thành phố rất cần sự hỗ trợ về tri thức, công nghệ và nguồn vốn đầu tư của bạn bè quốc tế để phát triển TOD.
“Để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng nói trên trong một lĩnh vực còn rất mới mẻ, thành phố nhận thức được tầm quan trọng của tinh thần "vừa làm, vừa học". Thành phố rất cần sự hỗ trợ về tri thức, công nghệ và nguồn vốn đầu tư của bạn bè quốc tế để phát triển TOD”, ông Bùi Xuân Cường chia sẻ.
Các chuyên gia đã chia sẻ nhiều thông tin về lợi ích từ công tác quy hoạch và đầu tư thực hiện TOD như lợi ích kinh tế, lợi ích sức khỏe và lợi ích xã hội; các nguyên tắc về quy hoạch và phát triển TOD.
Đồng thời, đại biểu cũng nêu ra những phương pháp, cơ chế, chính sách mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cần quan tâm xây dựng đối với việc áp dụng TOD tại Thành phố Hồ Chí Minh và tìm ra cách thức triển khai TOD phù hợp nhất cho thành phố.
Các mô hình đầu tư và phát triển TOD trên thế giới cũng được các diễn giả, chuyên gia chia sẻ tại hội thảo, qua đó giúp chính quyền thành phố và các cơ quan có thẩm quyền có thêm kinh nghiệm khi hoạch định các cơ chế, chính sách vừa đáp ứng thực tiễn vừa gắn với điều kiện thực tế và quy hoạch chung của Thành phố Hồ Chí Minh.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, Phó nhóm TOD, Quản lý Chương trình GCIP đưa ra 5 nguyên tắc trong phát triển TOD, trong đó nguyên tắc chủ yếu là định hướng giao thông công cộng, kết nối đi bộ và xe đạp, hạn chế xe cá nhân và sử dụng đất hỗn hợp mật độ cao.
Theo ông Tùng, công việc Thành phố Hồ Chí Minh cần ưu tiên đầu tiên là tạo khung pháp lý cho phát triển TOD. Đó là lập cơ quan chuyên trách với các nhiệm vụ và năng lực rõ ràng giúp cải thiện đáng kể việc phối hợp triển khai thực hiện đồ án, dự án về TOD. Cụ thể đó là Hội đồng phát triển TOD và bên dưới là Văn phòng TOD. Sau khi tạo lập bộ máy “đầu não” cho TOD, kế tiếp sẽ gồm 4 bước gồm: Quy hoạch khu vực TOD, Đề xuất dự án TOD, Xây dựng dự án TOD, Vận hành dự án TOD.
Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đã vận hành, có nhiều điều kiện để phát triển TOD dọc hai bên tuyến. (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Với những hiến kế, chia sẻ tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bùi Xuân Cường cho rằng: Việc triển khai TOD cần nhất là xem xét đến yếu tố quy hoạch, quyền sử dụng đất, quyền khai thác không gian, các công cụ tài chính, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành đường sắt đô thị trong tương lai.
Qua đó, thành phố hy vọng sẽ giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường và ô nhiễm tiếng ồn, cung cấp một hệ thống giao thông công cộng dễ tiếp cận, nhanh chóng, an toàn, hiện đại và đáng tin cậy. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh, bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.
QUÝ HIỀN