Cán bộ quản lý trường học: Đúng người, đúng việc

Cán bộ quản lý trường học: Đúng người, đúng việc
8 giờ trướcBài gốc
Cán bộ quản lý bậc học mầm non được cập nhật các kỹ năng quản lý trường học từ khóa tập huấn các mô-đun về khai vấn, dự giờ hiệu quả, kỹ năng điều hành và xây dựng cộng đồng học tập chuyên môn.
Đặc biệt với trường có quy mô lớn, có 3 Phó Hiệu trưởng sẽ thuận lợi hơn trong phân công công việc, tránh chồng chéo, đúng người đúng việc, phát huy năng lực từng người.
Thầy Châu Văn Tuy - Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau): Phát huy tối đa năng lực, sở trường của từng cấp phó
Năm học 2024 - 2025, Trường THPT Hồ Thị Kỷ có 83 lớp ở 2 cấp học THCS và THPT (THCS 42 lớp, THPT 41 lớp) với tổng số hơn 3.700 học sinh. Hiện trường chỉ có 1 Hiệu trưởng và 2 Phó Hiệu trưởng. Với quy mô 2 cấp học, hơn 80 lớp, trường chỉ có 2 Phó Hiệu trưởng nên công việc khá nặng và quá tải. Gây khó khăn trong công tác quản lý, do 2 cấp học có nhiều hoạt động chuyên môn, phong trào...
Thầy Châu Văn Tuy. Ảnh: TG
Nghị định 83/2024 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 120/2020 của Chính phủ quy định, đối với đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên có nhiều cấp học và quy mô từ 40 lớp trở lên được bố trí không quá 3 cấp phó phù hợp thực tế. Đối chiếu quy định tại Nghị định 83 thì Trường THPT Hồ Thị Kỷ được bố trí tối đa 3 Phó Hiệu trưởng.
Nếu được bổ nhiệm 3 Phó Hiệu trưởng, phân công công việc sẽ đỡ áp lực. Theo đó, 1 Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cả 2 cấp học; 1 Phó Hiệu trưởng phụ trách về cơ sở vật chất, công tác xây dựng Đảng và 1 Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác chủ nhiệm, an ninh, an toàn trường học, các hoạt động phong trào của trường...
Tuy Nghị định 83 có hiệu lực từ ngày 1/9/2024, nhưng trường chưa thể thực hiện việc bổ nhiệm thêm 1 Phó Hiệu trưởng do Đề án vị trí việc làm được cấp trên phê duyệt cuối năm 2023. Theo đề án vị trí việc làm, trường chỉ có 1 Hiệu trưởng, 2 Phó Hiệu trưởng. Muốn bổ nhiệm thêm 1 Phó Hiệu trưởng phải chờ văn bản hướng dẫn của sở GD&ĐT, UBND tỉnh, xây dựng lại Đề án vị trí việc làm, trong đó có việc bổ sung thêm vị trí Phó Hiệu trưởng.
Về việc phân công nhiệm vụ cấp phó để tránh chồng chéo, phát huy tối đa năng lực, sở trường của từng người. Thời gian qua và sắp tới, nếu có 3 Phó Hiệu trưởng trường phân công nhiệm vụ theo nguyên tắc dựa trên năng lực, sở trường của từng người, phân công đúng người đúng việc.
Ví dụ, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn phải có năng lực cao về chuyên môn, được đồng nghiệp nhìn nhận, tập thể tín nhiệm. Đồng thời phải là người am hiểu chương trình đào tạo, nhất là Chương trình GDPT 2018 ở từng cấp học để quản lý, điều hành, chỉ đạo về chuyên môn.
Phó Hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất cũng trên cơ sở am hiểu, nắm bắt kịp thời nhu cầu của giáo viên, học sinh về trang thiết bị phục vụ dạy và học cũng như nhu cầu cơ sở giáo dục của nhà trường để đề xuất đầu tư.
Phụ trách lĩnh vực này phải là người có mối quan hệ rộng để có thể thực hiện xã hội hóa giáo dục... đáp ứng được việc học tập của học sinh, giảng dạy, giáo viên. Đối với Phó Hiệu trưởng phụ trách phong trào, chủ nhiệm phải có năng khiếu về hoạt động phong trào, văn nghệ, thể dục thể thao, báo chí, nắm bắt tâm lý, năng khiếu từng học sinh...
Thầy Lê Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ): Gỡ khó cho các trường có quy mô lớn
Thầy Lê Văn Dũng. Ảnh: TG
Theo quy định mới về bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng từ ngày 1/9/2024, các trường phổ thông có nhiều cấp học được bổ nhiệm 3 Phó Hiệu trưởng nếu có từ 40 lớp trở lên, trong khi các trường có số lớp ít hơn chỉ được bổ nhiệm tối đa 2 Phó Hiệu trưởng.
Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý trường học, đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cấp lãnh đạo trong bối cảnh yêu cầu công việc ngày càng cao về quản lý và tổ chức giáo dục.
Tuy nhiên, quy định này cũng gây một số khó khăn cho các trường tiệm cận 40 lớp, nhất là trường có nhiều cấp học. Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) là một ví dụ điển hình về những khó khăn mà các trường không đủ 40 lớp gặp phải. Hiện trường có 36 lớp, chưa đạt đủ số lớp theo quy định, nên trường chỉ có 2 Phó Hiệu trưởng.
Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng nói riêng và các trường THCS & THPT nói chung đều thực hiện 2 nhiệm vụ song song là giảng dạy cấp THCS theo chỉ đạo của phòng GD&ĐT và cấp THPT theo chỉ đạo của sở GD&ĐT; có sự phân hóa chuyên môn và khối lượng công việc quản lý hành chính, báo cáo công việc chuyên môn cho phòng/sở GD&ĐT khá nhiều.
Mặt khác, đối với cấp THCS phải tham gia hoạt động chuyên môn, phong trào theo cấp huyện, vì vậy áp lực công việc rất lớn. Trong khi trước đây áp dụng quy định các trường có số lượng từ 28 lớp học trở lên thì có 3 Phó Hiệu trưởng, thuận lợi hơn cho hoạt động quản lý giáo dục tại nhà trường.
Hiện tại, trường bố trí 1 Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn cả 2 cấp nên rất nhiều công việc; Phó Hiệu trưởng còn lại phụ trách cơ sở vật chất cũng nặng nên không thể đảm nhận thêm công việc của 1 Phó Hiệu trưởng phụ trách hành chính phong trào. Các công việc này Hiệu trưởng là người gánh nên cũng áp lực.
Ông Lê Truyền Thống - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ): Hiệu trưởng dành thời gian để xây dựng và thực hiện chiến lược nhà trường
Ông Lê Truyền Thống. Ảnh: TG
Chính phủ ban hành Nghị định số 83/2024/NĐ-CP trong đó sửa đổi một loạt quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị.
Theo quy định về bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng từ 1/9/2024, các trường phổ thông có nhiều cấp học gồm trường Tiểu học và THCS; trường THCS và THPT; trường Tiểu học, THCS và THPT có từ 40 lớp trở lên được bổ nhiệm không quá 3 Phó Hiệu trưởng; các trường còn lại được bổ nhiệm không quá 2 Phó Hiệu trưởng.
Nghị định số 83/2024/NĐ-CP của Chính phủ được triển khai, các trường có nhiều cấp học, quy mô lớn, có 3 Phó Hiệu trưởng sẽ thuận lợi hơn trong việc phân công công việc để tránh chồng chéo; đúng người đúng việc; phát huy năng lực từng Phó Hiệu trưởng.
Góp phần tháo gỡ khó khăn cho các trường quy mô lớn chỉ được bố trí 2 Phó Hiệu trưởng nên lãnh đạo luôn trong tình trạng quá tải về công việc.
Từ đó áp lực công việc đối với ban giám hiệu sẽ giảm đi. Một số nhiệm vụ chuyên môn hoặc một phần công tác quản lý giáo viên, học sinh được phân công cho các Phó Hiệu trưởng thì Hiệu trưởng có nhiều thời gian để xây dựng và thực hiện kế hoạch chiến lược nhà trường…
Điều này càng quan trọng khi triển khai Chương trình GDPT 2018 với những thay đổi mang tính căn bản, toàn diện. Đây là nhiệm vụ mới, rất quan trọng và phức tạp đặt ra với các trường, đòi hỏi đội ngũ cán bộ quản lý cần am hiểu thực tế nhà trường, quen việc.
Điều quan trọng là Hiệu trưởng phải có cái nhìn thấu đáo, đánh giá, phân công đúng năng lực, sở trường từng người, nhất là cấp phó. Ngay từ đầu năm học, trường họp cấp ủy phân công nhiệm vụ từng Phó Hiệu trưởng trên cơ sở đánh giá mặt mạnh, hạn chế để giao nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện, nhà trường tiếp tục có sự điều chỉnh phù hợp nếu thấy việc phân công chưa hợp lý. - Thầy Châu Văn Tuy
Quốc Ngữ - Quách Mến - Thành Thật (ghi)
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/can-bo-quan-ly-truong-hoc-dung-nguoi-dung-viec-post704562.html