Cần bổ sung hơn 37000 biên chế giáo viên mầm non trong giai đoạn 2026-2030

Cần bổ sung hơn 37000 biên chế giáo viên mầm non trong giai đoạn 2026-2030
5 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 22/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết trên.
Liên quan đến sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nhận thấy, việc ban hành Nghị quyết nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết số 42-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đồng thời, tạo điều kiện cho trẻ em 3 đến 5 tuổi được đến trường, nhằm phát triển toàn diện, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa công bằng giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc chăm lo cho tương lai thế hệ trẻ.
Liên quan đến nguồn lực thực hiện, Ủy ban cho rằng, để hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi vào năm 2030, cần có những giải pháp đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên và nguồn lực tài chính...
Trong đó, về đội ngũ giáo viên, theo báo cáo đánh giá tác động cho thấy, dự kiến tổng biên chế còn thiếu đến năm 2030 là 47.949 chỉ tiêu. Số biên chế Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung giai đoạn 2022 - 2026 là 26.522 biên chế/65.980 biên chế giáo viên. Như vậy, số biên chế cần bổ sung giai đoạn 2026-2030 là 21.427 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Văn hóa và Xã hội, báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, tổng nhu cầu giáo viên cần bổ sung là 63.897 giáo viên (trong đó, số giáo viên cần bổ sung để bảo đảm tỉ lệ theo định mức là 47.397 giáo viên; số giáo viên thiếu cần bổ sung cho các trường công lập để thực hiện phổ cập là 16.500 giáo viên). Như vậy, số biên chế cần bổ sung giai đoạn 2026 - 2030 là 37.375 biên chế. Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ các số liệu nêu trên.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để giảm bớt áp lực đầu tư giáo viên và cơ sở vật chất từ ngân sách nhà nước.
Toàn cảnh Phiên họp sáng 22/5.
Theo dự thảo Nghị quyết, tổng dự toán kinh phí để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026 - 2030) là 116.314,1 tỉ đồng. Trong đó, tổng kinh phí chi đầu tư xây dựng trường, lớp, bổ sung thiết bị, đồ dùng, đồ chơi bảo đảm điều kiện tối thiểu theo quy định là 91.872,5 tỉ đồng.
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra cho rằng, đơn vị chủ trì soạn thảo cần xác định lộ trình theo từng năm học trong giai đoạn 2026 - 2030. Lộ trình này cần được quy định cụ thể trong đề án để có cơ sở lập kế hoạch chuẩn bị các điều kiện bảo đảm, như: xây dựng trường, lớp; kinh phí thực hiện xây dựng trường, lớp theo đề án hàng năm...
Báo cáo số 279/BC-CP ngày 26/4/2025 của Chính phủ đề xuất 2 phương án đối với nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu giai đoạn 2026-2030.
Phương án 1: đề xuất tổng kinh phí bảo đảm triển khai Nghị quyết (chỉ bổ sung phòng học thiếu, thiết bị dạy học tối thiểu) là 52.598,5 tỉ đồng.
Phương án 2: đề xuất (đầu tư xây dựng mới phòng học thiếu, thay thế phòng học tạm, cấp 4 xuống cấp, bổ sung phòng học chức năng, bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu) là 91.872,5 tỉ đồng.
Ủy ban Văn hóa và Xã hội cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, bổ sung đánh giá kỹ lưỡng nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, nhất là các địa phương có điều kiện khó khăn.
Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết do ngân sách Trung ương hỗ trợ tăng thêm ngoài tổng chi ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.
Minh Phong
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/can-bo-sung-hon-37000-bien-che-giao-vien-mam-non-trong-giai-doan-2026-2030-post732263.html