Xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại
Đóng góp ý kiến về nội dung này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Trong 2 tháng vừa qua, 2 cơn bão Yagi và Trà Mi đi vào nước ta với những diễn biến đường đi, sức mạnh rất bất thường, phức tạp, khó lường và để lại hậu quả vô cùng nặng nề. Sau các cơn bão, thực tế đã xuất hiện nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách mà Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo rốt ráo hơn nữa, để khắc phục, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp”.
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng, các quy định, cơ chế chính sách hỗ trợ khắc phục thiên tai được ban hành nhiều năm, từ giai đoạn trước, chưa được cập nhật đầy đủ các đối tượng chịu ảnh hưởng cần hỗ trợ, nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ còn thấp so với thiệt hại to lớn do bão số 3 (bão Yagi) gây ra. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động đề xuất, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, hỗ trợ các ngành, lĩnh vực đang bị ảnh hưởng nặng nề; xây dựng đề án tái thiết nền kinh tế sau bão; thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các doanh nghiệp, tổ chức, người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại; ưu tiên bố trí nguồn lực để sớm khắc phục các sự cố, hư hỏng về hệ thống giao thông, đê điều, hồ chứa thủy lợi.
Bên cạnh đó, bão đã gây thiệt hại rất lớn đối với tất cả các ngành, lĩnh vực, tuy nhiên, hiện nay chỉ có chính sách “khoanh nợ” đối với lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xử lý nợ vay của các đối tượng chính sách, chưa có chính sách “khoanh nợ” cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại tại các ngành, lĩnh vực khác.
“Chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chưa bao gồm các đối tượng khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 gây ra, do thông tư còn thời hạn thực hiện nhưng đã hết thời hiệu áp dụng; nhiều khách hàng bị thiệt hại do bão có nhu cầu vay thêm vốn để tái đầu tư, phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng không còn tài sản bảo đảm cho khoản vay”, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ quan điểm.
Từ phân tích trên, nữ Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước quan tâm các vấn đề: Cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại; bổ sung nguồn lực thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho Ngân hàng Chính sách xã hội; hướng dẫn cách thức xác định mức độ thiệt hại xảy ra trên phạm vi rộng, do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, trong đó có tài sản hình thành từ vốn vay để làm cơ sở thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ; có cơ chế cho vay không có tài sản đảm bảo, cơ chế riêng về phân loại nợ, trích lập dự phòng và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai.
Cũng theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách: Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp để khôi phục sản xuất; cơ chế trục vớt tàu thuyền bị đắm do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; nghiên cứu các quy chuẩn kỹ thuật, định mức xây dựng đối với các công trình cơ sở hạ tầng công trình đê chắn sóng, khu vực neo đậu tránh trú bão, các công trình ven biển… đáp ứng với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
“Đồng thời, có cơ chế bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, kịp thời giữa các cấp chính quyền, lực lượng chức năng trong điều kiện giông bão, mưa lũ, mất điện, mất sóng thông tin. Mặt khác, bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác đầu tư xây dựng, cải tạo lưới điện nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo an toàn trước những ảnh hưởng của thiên tai”, bà Hà kiến nghị giải pháp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh).
Quốc hội thảo luận nhiều dự án Luật quan trọng
Trong tuần làm việc thứ 3, Quốc hội tiếp tục thảo luận các nội dung như: Tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước.Quốc hội thảo luận về các dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Dữ liệu.
Ngoài ra, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa; dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự...
Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn
Cùng quan tâm đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng: “Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, toàn dân đã làm hết khả năng của mình để ứng cứu bão lũ, nhưng chúng ta cần nhìn vào sự thật là còn rất nhiều bài học rút ra để có thể giảm hơn nữa những mất mát, đặc biệt là về người. Vấn đề đầu tiên cần rút kinh nghiệm đó là việc phân phối hàng cứu trợ để tránh tình trạng chỗ cần không có, chỗ lại thừa, thậm chí phải chôn hàng tấn thức ăn vì không kịp phân phát. Chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định nhu cầu thực chất cần cứu trợ là gì, số lượng, thời gian, cách thức đưa hàng cứu trợ đến trực tiếp người dân và địa phương. Việc ứng cứu cũng cần rút kinh nghiệm ở từng địa phương, cần sớm có kế hoạch triển khai thành tựu mới trong khoa học, kỹ thuật hiện đại trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đồng tình với quan điểm của một số Đại biểu Quốc hội cho rằng việc trồng rừng rất quan trọng. “Nếu các Đại biểu Quốc hội đến địa phương nào cũng nhận thấy màu xanh rừng của chúng ta là không bền vững, chủ yếu là keo, bạch đàn, đều là những cây có khả năng giữ đất không cao, với chu kỳ khai thác ngắn, có khi chỉ 3 đến 5 năm, núi đồi lại trọc. Chúng ta cần thay đổi cách làm, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước để triển khai kế hoạch trồng rừng theo từng địa phương, từng địa hình, địa lý khác nhau, nên tăng cường trồng cây bản địa, những cây lâu năm, nếu vẫn cần khai thác kinh tế thì có thể quy hoạch những vùng trồng cây sản xuất ở phía dưới, còn phía trên đỉnh núi là những cây lâu năm, cây bản địa”, ông Nguyễn Lân Hiếu nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, việc thứ ba, đó là khai thác tài nguyên, đặc biệt là những đại dự án ở vùng lõi, vùng dự trữ sinh quyển rất cần rà soát cẩn thận, đánh giá tác động môi trường khách quan, công tâm, đặc biệt là khi những nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo thì chúng ta cần phải thận trọng. Việc khai thác gỗ tự nhiên cần chấm dứt, tuyên truyền để thay đổi sở thích sập gụ, tủ chè, bình hứng lộc làm bằng gỗ nguyên khối tự nhiên của người Việt Nam. Cần nghiêm trị những hành vi phá hoại môi trường cho dù là nhỏ nhất, như trồng cây mà vẫn còn nguyên mộc hay cây còn có khả năng cứu mà chặt đi để xin ngân sách trồng mới…
“Cuối cùng, việc phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là vùng miền núi, Lào Cai là một trong tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất nhưng cũng là một địa phương đã có đầu tư tốt cho y tế tuyến huyện trong thời gian vừa qua, có sự kết nối thường xuyên với tuyến trung ương nên đã thực sự cứu được nhiều nạn nhân của cơn bão Yagi, chỉ những ca thật phức tạp, sau khi sơ cứu ổn định mới chuyển về Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai. Đây là mô hình tốt, chúng ta cần nhân rộng để nâng cao sức khỏe người dân, đồng thời, sẵn sàng ứng phó với những thảm họa dù không ai muốn nhưng có thể xảy ra trong tương lai”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.
Thiên An