Cần căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi

Cần căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi
5 giờ trướcBài gốc
Nhiều ý kiến cho rằng, cần hạ thấp ngưỡng xử lý hình sự bằng cách căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi, đặc biệt việc sử dụng hóa chất cấm hoặc không rõ nguồn gốc.
Ông Lê Thanh Vũ khai nhận sử dụng hóa chất 6-Benzylaminopurine (chất kích thích tăng trưởng) để sản xuất 750kg giá đỗ. Đây là hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm bởi có thể gây ngộ độc cấp tính, làm tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng như bỏng da, viêm kết mạc nếu tiếp xúc trực tiếp.
Theo cơ quan chức năng, mặc dù khối lượng giá đỗ lên đến 750kg nhưng giá bán ra thị trường chỉ 8.000 đồng/kg nên tổng giá trị chỉ 6 triệu đồng nên chưa đủ điều kiện khởi tố vụ án (vì chưa đủ từ 10 triệu đồng trở lên theo quy định của pháp luật). Do đó, Công an TP Huế tham mưu xử phạt hành chính cơ sở của ông Lê Thanh Vũ số tiền 45 triệu đồng, đình chỉ sản xuất 2 tháng và tiêu hủy toàn bộ số giá đỗ nói trên.
Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phát hiện thực phẩm là bánh kẹo không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ, tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, tháng 12-2024. Ảnh: THU THỦY
Theo anh Nguyễn Mạnh Hào, người dân Khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội), “thực phẩm bẩn” không làm người ta chết ngay nhưng có thể ảnh hưởng đến hàng nghìn người, ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, hành vi sử dụng chất độc trong sản xuất thực phẩm cần xem xét để nâng chế tài xử lý chứ không thể lấy giá trị của lô hàng để xét.
“Theo tôi, hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của nhiều người nên chúng ta cần xét xử theo hướng tăng nặng để bảo đảm tính răn đe. Hãy nghĩ xem, nếu thế hệ tương lai của đất nước toàn những trẻ em ốm yếu, dị tật do “thực phẩm bẩn” gây ra thì hậu quả lớn đến nhường nào”, anh Hào bức xúc.
Luật sư Lê Văn Lên, Giám đốc Hãng luật Capital, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan quy định rõ: Để truy cứu trách nhiệm hình sự, cần chứng minh hành vi vi phạm đạt đến mức gây hậu quả nghiêm trọng, có tính chất nguy hiểm hoặc mang tính hệ thống. Vì vậy, việc cơ quan chức năng đề xuất xử phạt hành chính với cơ sở này có thể là do không có bằng chứng về việc tái phạm nhiều lần; hậu quả cụ thể chưa được chứng minh rõ ràng (như gây ngộ độc thực phẩm, tổn hại sức khỏe cộng đồng)...
Đây là minh chứng cho nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong pháp luật hình sự. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, việc sử dụng hóa chất để làm giá đỗ là hành vi khó có thể chỉ diễn ra một lần. Giá đỗ không phải là sản phẩm dễ tiêu thụ trong ngày mà cần sản xuất liên tục để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điều này dẫn đến nghi ngờ về tính hệ thống của hành vi: Hành vi nguy hiểm là sử dụng hóa chất cấm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, gây nguy cơ bệnh lý nghiêm trọng.
Nghi vấn tái phạm, đây có thể không phải lần đầu vi phạm, nhưng do cơ chế kiểm tra và giám sát chưa hiệu quả, cơ quan chức năng chưa kịp thời phát hiện. Việc này đòi hỏi cần mở rộng điều tra để thu thập thêm bằng chứng và làm rõ liệu đây có phải là hành vi mang tính lặp lại hay không.
Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội phát hiện 14 tấn thực phẩm là xúc xích không rõ nguồn gốc tại kho lạnh trên địa bàn huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, tháng 1-2025. Ảnh: THU THỦY
Hiện nay, quy định của pháp luật có một số bất cập trong việc xử lý hành vi liên quan đến an toàn thực phẩm. Trong đó, việc luật yêu cầu xác định rõ hậu quả nguy hiểm (như gây ngộ độc, tổn thương sức khỏe) để có cơ sở truy cứu hình sự gây khó khăn trong việc xử lý triệt để các hành vi nguy hiểm nhưng chưa dẫn đến hậu quả rõ ràng. Bên cạnh đó, mức phạt hành chính thấp, không đủ sức răn đe đối với những hành vi gây nguy hại tiềm tàng cho xã hội. Ngoài ra, cơ chế giám sát chưa hiệu quả khiến nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm hoạt động nhỏ lẻ dễ lẩn tránh các đợt kiểm tra định kỳ.
Từ thực tế này, luật sư Lê Văn Lên kiến nghị: “Cần hạ thấp ngưỡng xử lý hình sự bằng cách không chỉ dựa vào hậu quả mà căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi, đặc biệt việc sử dụng hóa chất cấm hoặc không rõ nguồn gốc. Tăng mức phạt hành chính đối với các hành vi nguy hiểm nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Bên cạnh đó, cần áp dụng công nghệ (như định vị GPS, nhật ký điện tử) để giám sát nguồn gốc và chuỗi cung ứng thực phẩm; tăng cường kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường truyền thông về tác hại của “thực phẩm bẩn” đến người dân; khuyến khích người tiêu dùng và các đơn vị liên quan tố giác các hành vi vi phạm”.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: “Thực phẩm là lĩnh vực đặc thù, thiết yếu, không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Thực phẩm có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Bởi vậy, tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực này là cần thiết. Nếu trường hợp vi phạm ở mức độ phổ biến đối với việc sử dụng chất cấm mà chế tài hành chính không đủ sức răn đe thì cũng có thể hình sự hóa, hạ thấp mức thiệt hại hoặc giá trị của những chất độc hại để quy định xử lý bằng chế tài hình sự”.
ĐỨC TUẤN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-can-cu-vao-tinh-chat-nguy-hiem-cua-hanh-vi-810941