Cần cân nhắc quy định xem xét, thông qua các luật của Quốc hội tại 1 kỳ họp

Cần cân nhắc quy định xem xét, thông qua các luật của Quốc hội tại 1 kỳ họp
4 giờ trướcBài gốc
Cân nhắc bỏ quy định về trách nhiệm tham vấn chính sách
Quan tâm về tham vấn chính sách, đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn TP Hà Nội) cho biết, hiện nay dự thảo Luật quy định các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm cho ý kiến tham vấn, các Ủy ban phải tổ chức hội nghị lập báo cáo về kết quả tham vấn và chậm nhất 20 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu thì phải gửi báo cáo kết quả tham vấn đến cơ quan soạn thảo và các Ủy ban phải chịu trách nhiệm về nội dung tham vấn, thời hạn tham vấn. Đại biểu cho rằng, quy định về tham vấn là cần thiết nhưng nếu áp dụng quy định này với các Ủy ban của Quốc hội là chưa hợp lý.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần cân nhắc và nên bỏ quy định về trách nhiệm tham vấn chính sách tại dự thảo Luật. “Việc quy định tham vấn là cần thiết nhưng đó là tham vấn với các chuyên gia, với các nhà khoa học, với các cá nhân đại biểu Quốc hội và thậm chí với từng thành viên Ủy ban, nhưng đó là tính chất cá nhân, còn hình thành nên một quy trình để áp dụng cho một Ủy ban thì chưa hợp lý”, nữ đại biểu Quốc hội phân tích.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội phát biểu.
Nhấn mạnh tham vấn là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng, đúng bản chất, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc áp dụng đúng bản chất sẽ đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và đặc biệt là phù hợp với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, “đúng vai thuộc bài”.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị bổ sung vào dự án Luật này các quy định về trách nhiệm, đánh giá tác động khi ban hành nghị định. Đồng thời, đề nghị chú trọng khâu lấy ý kiến rộng rãi khi ban hành chính sách tại các nghị định có phạm vi rộng.
Cân nhắc quy định xem xét, thông qua các luật của Quốc hội tại 1 kỳ họp
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận là việc xem xét, thông qua dự thảo Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, nội dung này được quy định tại Điều 40 của dự thảo Luật và chỉ thực hiện xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp (khác với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước đây là 2 kỳ họp). Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, cần cân nhắc nội dung này bởi việc xem xét kỹ lưỡng các dự thảo Luật trong 2 hay nhiều kỳ họp là sự cẩn trọng cần thiết trong công tác xây dựng Luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu.
“Đặc biệt, khi mục tiêu của chúng ta là xây dựng các luật mang tính ổn định và khả năng dự báo cao, thì theo tôi, việc cho ý kiến và xem xét các dự thảo càng phải kỹ lưỡng hơn. Yếu tố thời gian để xem xét, tiếp thu chính là điều kiện cần để thực hiện điều đó. Nếu vội vàng quá, chúng ta khó có thể làm kỹ lưỡng, gây ảnh hưởng chất lượng của văn bản được thông qua”, đại biểu nêu quan điểm.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị giữ nguyên quy trình thông thường để xem xét, thông qua các luật của Quốc hội là 2 kỳ họp như hiện nay. Đối với một số trường hợp cần thiết, chúng ta đã có các quy định về việc xây dựng luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cũng bày tỏ băn khoăn về quy định xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp, do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc. Mặt khác, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhận thấy, việc quy định “chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp, dự án luật, nghị quyết phải được gửi đến các đại biểu Quốc hội” là quá ngắn, cá biệt trong một số trường hợp nếu trình một lần nhiều dự án thì đại biểu Quốc hội không thể đủ thời gian nghiên cứu cho ý kiến thấu đáo đối với dự thảo.
“Quy định như vậy thì khó để đáp ứng theo tinh thần của Trung ương đó là hướng đến Luật ngày càng chất lượng, hiệu quả hơn”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nêu quan điểm.
Cùng với đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo, Cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần rà soát kỹ lưỡng để tránh tình trạng luật được thông qua, có hiệu lực thi hành nhưng lại vướng trong quá trình áp dụng.
Bổ sung việc phản biện của UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ngay tại quy trình xây dựng chính sách
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (đoàn Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung việc phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngay tại quy trình xây dựng chính sách.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn.
Cụ thể, đại biểu Chu Thị Hồng Thái đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 6 như sau: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội thực hiện phản biện xã hội đối với chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật này, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật khác liên quan, phản biện xã hội được thực hiện trong thời gian cơ quan lập đề xuất chính sách; cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội chủ trì soạn thảo tổ chức lấy ý kiến về chính sách dự thảo văn bản quy phạm pháp luật”.
Trong khi đó, bày tỏ băn khoăn việc phản biện xã hội do Mặt trận Tổ quốc thực hiện nhưng chưa có quy định cụ thể về cơ chế đảm bảo tính độc lập và khách quan của phản biện, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) đề nghị bổ sung quy định về thời hạn, hình thức công khai nội dung phản biện xã hội để nâng cao trách nhiệm giải trình; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiếp nhận phản biện, tham vấn để bảo đảm tính minh bạch, khách quan; đồng thời, bổ sung quy định tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các hiệp hội trong phản biện chính sách, không chỉ giới hạn ở Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
N.Hường
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/can-can-nhac-quy-dinh-xem-xet-thong-qua-cac-luat-cua-quoc-hoi-tai-1-ky-hop-post334428.html