Thanh tra Chính phủ thực hiện công tác thanh tra hai dự án nêu trên trong 40 ngày, áp dụng cho giai đoạn từ 1/1/2014 đến 31/12/2024, khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này.
Với tính chất đặc biệt quan trọng, cuộc thanh tra nhằm đánh giá chấp hành pháp luật trong triển khai hai dự án, phát hiện những hạn chế, vi phạm (nếu có), xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan cũng như bất cập, sơ hở của pháp luật - qua đó có biện pháp xử lý và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Theo thông tin của Bộ Y tế, khó khăn, vướng mắc của hai dự án này xảy ra từ năm 2020 và tạm dừng thi công từ đó. Các vướng mắc khá phức tạp liên quan đến quá trình thực hiện hợp đồng, ký kết hợp đồng, triển khai dự án, thậm chí có nội dung chưa tuân thủ đúng quy định tại các nghị định và thông tư hiện hành.
Vì vậy, qua rà soát, Bộ Y tế cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ có cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết khó khăn, vướng mắc của hai dựa án này.
Hiện tại, về xây dựng, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thiện 97%, cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức đạt 85%. Theo Thứ trưởng Lê Đức Luận, hai dự án hoàn toàn có thể triển khai xong phần xây dựng trong sáu tháng.
Liên quan tới thiết bị y tế, Bộ Y tế cho biết sẽ rà soát để đối chiếu với thực tiễn và tổ chức mua sắm thiết bị y tế, mỗi dự án gần 1.000 tỷ đồng.
Bộ nãy cũng nhấn mạnh, sẽ cố gắng hoàn thành và đưa hai dự án này vào hoạt động trong năm nay.
Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm (trực thuộc Bộ Y tế) làm chủ đầu tư.
10 năm trước, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, khám chữa bệnh với chất lượng và yêu cầu ngày càng cao, đồng thời cấp bách giảm tải bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối, Chính phủ đồng ý cho phép xây 5 bệnh viện trung ương tại tỉnh Hà Nam và TP.HCM với tổng mức đầu tư 20 nghìn tỷ đồng.
Tại lễ khởi công dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (tại Hà Nam) vào tháng 12/2014, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng và cũng là lần đầu tiên có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai được xây dựng với quy mô 1.000 giường bệnh trên diện tích hơn 20ha; diện tích sàn khoảng 120.000m2, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Dự kiến thời gian khánh thành giai đoạn I vào tháng 12/2016, hoàn thành toàn bộ tháng 12/2017 – tức đúng theo tiến độ nêu trong đề án được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2014.
Với tổng giá trị khoảng 10 nghìn tỷ đồng, hai dự án này được thực hiện theo gói thầu EPC, tức vừa thiết kế, vừa thi công và vừa cung cấp thiết bị công nghệ.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, do thực hiện theo loại hình đầu tư mới ở thời điểm năm 2014, nên trong quá trình triển khai đã gặp một số khó khăn, vướng mắc và nhà thầu đã tạm dừng thi công từ 4 năm nay.
Trước tình trạng chậm trễ kéo dài của hai dự án, hai năm trở lại đây, ghi nhận nỗ lực, quyết tâm cao độ của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm rà soát để đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Điển hình, một Tổ công tác rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện hai dự án đã được thành lập vào tháng 2/2023. Chính phủ, Thủ tướng và Bộ Y tế đã tổ chức trên 20 cuộc họp nhằm xác lập các phương cách giải quyết khó khăn.
Ngày 6/1 vừa qua, tổ công tác do Bộ trưởng Đào Hồng Lan làm tổ trưởng, đã hoàn thiện phương án và chính thức có tờ trình Chính phủ.
Bộ Y tế khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị thi công tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc sau khi được cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo.
Hai dự án được hưởng một số cơ chế đặc thù như: cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu (trong tường hợp cần thiết), nguồn vốn do Bộ Tài chính thu xếp cấp, UBND tỉnh Hà Nam giải phóng mặt bằng, giao đất sạch cho chủ đầu tư.
Ghi nhận thực tế của TheLEADER cho thấy, tới cuối tháng 12 vừa qua, hai siêu dự án vẫn ngút ngàn cỏ dại, cửa đóng then cài, nhiều hạng mục hoàn thành và dang dở nằm xen lẫn.
Đối lập với thực trạng ì ạch “đắp chiếu” nhiều năm, lãng phí đất vàng ngay giữa thành phố ngã ba sông, chỉ cách bức tường bao quanh khu đất hai dự án vài bước chân, nhịp sống đô thị và hơi thở chuyển mình của Phủ Lý vẫn dồn dập từng giờ, từng phút.
Nằm cạnh tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, thuận lợi trong việc tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai tại Phủ Lý hiện vẫn là những khối nhà im lìm sau 10 năm khởi công
Các lô đất được phân lô, quy hoạch hạ tầng đường sá gọn gàng nằm liền sát khu vực dự án
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được đầu tư xây mới thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu, đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, với tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi.
Phía sau cổng vào là những khối nhà bỏ hoang, nhiều khu vực phụ trợ dang dở xuống cấp.
Ít ai hình dung tới tương lai dự án được coi là một trong những ví dụ về lãng phí nguồn lực, lãng phí đầu tư công suốt nhiều năm qua.
Một số khu vực tường bị bong tróc phủ rêu, sân, vườn cỏ dại mọc um tùm.
Nhiều hạng mục đã được lắp đặt, trang bị cơ bản.
Dấu hiệu xuống cấp dần xuất hiện ở các chi tiết mặt ngoài một số hạng mục
Không biết tới khi nào người dân Hà Nam và khu vực lân cận có thể hưởng dịch vụ y tế chất lượng tuyến trung ương tại dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2.
Phía trước cổng vào dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức
Đặt tại vị trí trung tâm TP. Phủ Lý, khu đất dự án được đánh giá là có giá trị vàng trên thị trường bất động sản tỉnh Hà Nam thời điểm hiện tại
Các khối nhà chức năng đã xuất hiện bong tróc, dấu hiệu xuống cấp mặt ngoài do "đắp chiếu", dãi dầu sương gió suốt 4 năm qua
Hiếm hoi bóng thợ trong công trình dự án
Ngổn ngang những trang thiết bị, sắt thép ẩn trong khoảng lưu không giữa các tòa nhà chức năng thuộc dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức
Với tổng giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng, dự án đã được lắp đặt nhiều trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh nhưng vẫn nằm chờ 4 năm nay.
Các khu chức năng khám, chữa bệnh được đầu tư mới đang khắc khoải đợi tháo gỡ, hoàn thành đầu tư để vận hành, góp phần chống lãng phí nguồn lực.
Hoàng Anh - Nguyễn Cảnh