Cận cảnh 5 lý do thất bại cay đắng của tuyển Thái Lan

Cận cảnh 5 lý do thất bại cay đắng của tuyển Thái Lan
2 ngày trướcBài gốc
Trận thua khách Việt Nam 2-3 ngay tại sân nhà Rajamangala đã khiến tuyển Thái Lan chỉ có thể ngậm ngùi với ngôi á quân. Báo chí Thái Lan đã chỉ ra những điểm nổi bật từ thất bại này.
Hàng phòng ngự gặp vấn đề nghiêm trọng
HLV Masatada Ishii dường như đã dành quá nhiều sự chú ý cho Nguyễn Xuân Son, dẫn đến việc bố trí nhiều cầu thủ kèm cặp tiền đạo người Brazil nhập tịch này. Chính điều đó đã khiến hàng thủ tuyển Thái Lan bị rối loạn, đặc biệt là trong tình huống Việt Nam mở tỷ số 1-0. Bàn gỡ hòa 2-2 của Việt Nam cũng xuất phát từ sai lầm cá nhân khi Suphanan Burirat không giữ được vị trí, để lộ khoảng trống lớn cho các cầu thủ Việt Nam khai thác.
Bàn thua cuối cùng của Thái Lan phản ánh sự mất kiểm soát trong thời điểm đội bóng dồn toàn lực lên tấn công. Cuối cùng, 12 bàn thua mà Thái Lan phải nhận trong giải đấu lần này là con số kỷ lục, lần đầu tiên họ để lọt lưới tới hai con số trong lịch sử tham dự AFF Cup. Dù không phải đội hình mạnh nhất, Thái Lan vẫn sở hữu nền tảng bóng đá vượt trội so với khu vực, vì vậy những sai lầm cơ bản này không nên xảy ra.
Đội khách Việt Nam đã đánh bại tuyển Thái Lan ngay trên "chảo lửa" Rajamangala. Ảnh: ANH PHƯƠNG.
Đáng chú ý, Xuân Son chỉ thi đấu 32 phút trong trận lượt về nhưng hàng thủ Thái Lan vẫn bị rối loạn. Đây là một bài toán lớn mà HLV Ishii cần giải quyết nếu muốn cải thiện khả năng phòng ngự cho các giải đấu trong tương lai.
Bàn thắng gây tranh cãi của Supachok Sarachat
Pha lập công nâng tỷ số lên 2-1 của Supachok Sarachat là một tình huống đẹp mắt nhưng lại gây tranh cãi về tinh thần fair play. Việt Nam đã chủ động đưa bóng ra ngoài để cầu thủ Hoàng Đức được chăm sóc, nhưng tuyển Thái Lan lại không trả bóng mà tận dụng tình huống này để ghi bàn.
Dù Supachok không phạm luật, hành động này khiến đội tuyển Việt Nam và các cổ động viên phẫn nộ. Tình huống này không chỉ làm mất đi tinh thần fair play trong bóng đá mà còn khơi mào cho sự căng thẳng, góp phần khiến Việt Nam thi đấu quyết tâm hơn và lật ngược thế trận.
Chiếc thẻ đỏ của Weerathep Pomphan là bước ngoặt
Weerathep nhận thẻ vàng thứ hai bị truất quyền thi đấu khiến Thái Lan thi đấu thiếu người. Ảnh: AP.
Weerathep nhận thẻ vàng thứ hai sau một pha phạm lỗi không cần thiết ở phút 74. Quyết định nóng vội này đã đẩy Thái Lan vào thế bất lợi khi chỉ còn 10 người trên sân. Có thể thông cảm rằng Weerathep bị ức chế vì trước đó Supachok bị phạm lỗi nhưng không được trọng tài xử lý.
Tuy nhiên, việc thiếu kiềm chế trong một trận đấu quyết định là điều không thể chấp nhận. Chơi thiếu người trong trận đấu cuối cùng của giải, đặc biệt ở thời điểm thể lực suy giảm, khiến Thái Lan gần như không còn cơ hội lật ngược tình thế. Đây là bài học đắt giá cho Weerathep và cả đội tuyển Thái Lan.
Trọng tài và những quyết định gây tranh cãi
“Vua sân cỏ” Ko Hyung-jin người Hàn Quốc nhận nhiều chỉ trích vì các quyết định thiếu công bằng. Việt Nam chỉ bị thổi phạt 3 lần so với 11 lần của tuyển Thái Lan, dù các cầu thủ Việt Nam có nhiều pha vào bóng quyết liệt.
Trọng tài người Hàn Quốc có những quyết định gây tranh cãi. Ảnh: ANH PHƯƠNG.
Ba tình huống đáng chú ý: Pha vào bóng của Phạm Tuấn Hải với Jonathan Khemdee: Tình huống xứng đáng nhận thẻ đỏ nhưng trọng tài chỉ rút thẻ vàng. Không lâu sau đó, chính Tuấn Hải ghi bàn mở tỷ số; Pha phạm lỗi với Supachok trước thẻ đỏ của Weerathep: Trọng tài không thổi phạt khiến Weerathep bức xúc và dẫn đến thẻ vàng thứ hai;
Cuối cùng là tình huống Suphanan bị phạm lỗi trong vòng cấm: VAR không can thiệp dù pha truy cản của hậu vệ Việt Nam là rõ ràng. Những quyết định này không chỉ làm Thái Lan mất lợi thế mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý các cầu thủ.
Sai lầm trong chiến thuật thay người
HLV Ishii bị chỉ trích vì những quyết định thay người thiếu hợp lý. Benjamin Davis, người chơi nổi bật trong trận lượt đi, lại bị rút ra sớm. Worachit, với khả năng chuyền bóng tốt, lại không được sử dụng đúng lúc. Việc tiếp tục sử dụng những cầu thủ như Seksan, người không tạo được dấu ấn, khiến đội tuyển Thái Lan không thể thay đổi cục diện. HLV Ishii cần rút kinh nghiệm trong việc sử dụng nhân sự và đưa ra chiến thuật linh hoạt hơn.
Việt Nam đã lấy lại ngôi vô địch AFF Cup từ tay Thái Lan. Ảnh: AP.
Thất bại tại AFF Cup 2024 là bài học lớn cho đội tuyển Thái Lan, nhà vô địch AFF Cup 7 lần. Đội bóng cần cải thiện nhiều khía cạnh, từ chiến thuật, tâm lý thi đấu đến cách tổ chức phòng ngự. Nhìn chung, với nền tảng sẵn có, đội tuyển Thái Lan vẫn là một thế lực của Đông Nam Á, nhưng để duy trì vị thế này, "Voi chiến" cần có những thay đổi mạnh mẽ trong tương lai gần.
Phía bên kia, hành trình đầy gian nan nhưng tràn ngập cảm xúc ở AFF Cup 2024 một lần nữa chứng minh rằng, với tinh thần đoàn kết và sự quyết tâm, không điều gì là không thể đối với bóng đá Việt Nam.
NGỌC ANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/can-canh-5-ly-do-that-bai-cay-dang-cua-tuyen-thai-lan-post828760.html