Cận cảnh cây cầu 'nối đôi bờ thương nhớ' của người dân xứ biển Bình Định

Cận cảnh cây cầu 'nối đôi bờ thương nhớ' của người dân xứ biển Bình Định
7 giờ trướcBài gốc
Bình minh trên cầu vượt biển Đề Gi - Bình Định.
Bị ngăn cách bởi vùng biển Đề Gi, trước kia người dân 2 huyện Phù Cát và Phù Mỹ (Bình Định) muốn qua lại với nhau hoặc đi vào trung tâm TP Quy Nhơn phải đi đường vòng hơn 30 km.
Cầu vượt biển Đề Gi mang sứ mệnh cao cả xóa bỏ ngăn cách đôi bờ bao đời nay. Đồng thời mở ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương bởi tuyến đường ven biển DT639 hoàn toàn được liền mạch.
Theo những người dân địa phương, hơn 2 năm qua cầu Đề Gi không chỉ góp phần thay đổi bộ mặt quê hương, cầu Đề Gi đã rút ngắn chặng đường từ xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ và xã Cát Khánh, huyện Phù Cát từ hơn 30km xuống còn vài trăm mét.
Không những thế, cầu vượt biển Đề Gi đã trở thành điểm check-in lý tưởng của người dân và du khách trong những ngày nghỉ.
Sau 18 tháng thi công tốc lực ngày đêm, cầu Đề Gi được đưa vào vận hành từ cuối năm 2022 với tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng. Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư.
Công trình dài khoảng 400m, có 8 nhịp, trong đó có 5 nhịp dẫn SuperT dài 197 m và ba nhịp đúc hẫng dài 200 m. Mặt cầu được thảm nhựa rộng 17,5 m, vận tốc lưu thông qua cầu khoảng 80 km/h.
Dưới chân đầu cầu Đề Gi là cảng cá Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) hoạt động sầm uất ngày đêm, đồng thời là nơi neo đậu, tránh trú bão của tàu thuyền.
Phía cuối cầu Đề Gi thuộc địa phận xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt quy hoạch khai thác quỹ đất gần 2.200 ha để xây dựng khu thương mại – dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hậu cần nghề cá...
Mỗi ngày, từ trên cầu Đề Gi, người dân và du khách có thể ngắm bình minh lên và hoàng hôn xuống, cảnh đầm, cảnh biển mênh mông và các hoạt động sản xuất đa dạng của người dân nơi đây.
Ngay dưới chân cầu là cuộc sống bình dị của ngư dân trên những lồng bè nuôi cá biển và hàu Thái Bình Dương. Đây là nguồn sinh kế đổi mới thay cho việc nuôi tôm và đi biển quá nhiều rủi ro.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định từng chia sẻ, Bình Định là tỉnh đầu tiên ở miền Trung hoàn thành đường ven biển, sẽ có khoảng 5.000 ha diện tích đất và mặt nước để hình thành các khu, cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển.
“Các thế hệ lãnh đạo của tỉnh cũng như nhân dân Bình Định mơ ước sẽ làm 1 cây cầu vượt biển thứ hai, để nối liền 2 huyện Phù Mỹ- Phù Cát. Trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh quyết tâm đầu tư cho được tuyến đường ven biển, đặc biệt cầu Đề Gi, mở ra một không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định khai thác tiềm năng lợi thế của 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ. Đồng thời, kết nối với thành phố Quy Nhơn, tạo cú hích cho phát triển của tỉnh Bình Định. Trước hết mở ra không gian phát triển du lịch, đô thị, kinh tế biển”- ông Hồ Quốc Dũng cho biết.
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/can-canh-cay-cau-noi-doi-bo-thuong-nho-cua-nguoi-dan-xu-bien-binh-dinh-ar920084.html