Thực tế, với số lượng trường đại học, cao đẳng tập trung ở Thành phố Hà Nội đông như hiện nay, nhu cầu nhà ở cho sinh viên luôn cấp thiết. Có được một chỗ ở trong ký túc xá của trường hoặc ký túc xá bên ngoài đã là không dễ. Tuy nhiên, sinh viên cũng không khỏi trăn trở về vấn đề quản lý, điều kiện sinh hoạt tại những nơi này.
Ký túc xá Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội) có nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước gần 979 tỷ đồng và được đưa vào sử dụng bắt đầu từ tháng 2/2015. Tổng diện tích khu ký túc là 16.900m2, bao gồm 5 đơn nguyên, mỗi đơn nguyên cao 21 tầng bao gồm 1 hầm để xe và 1 tầng dịch vụ. [1]
Theo ghi nhận của phóng viên, nhìn bề ngoài, các tòa nhà đã xuống cấp theo thời gian, nhiều mảng tường bong tróc hoặc bị nước thấm tạo thành vệt loang lổ.
Vẻ bề ngoài xuống cấp theo năm tháng của ký túc xá Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Lệ.
Mặt khác, mỗi tòa đơn nguyên gồm 21 tầng, nhưng chỉ có 3 thang máy dùng chung trong một tòa. Muốn di chuyển bằng thang máy, sinh viên buộc phải xếp hàng đợi rất lâu. Một số sinh viên chia sẻ, muốn sử dụng thang máy, bắt buộc phải chờ rất lâu, xếp hàng sau 5-6 lượt mới đến mình. Các bạn ở tầng thấp hơn (từ tầng 10 trở xuống) thường chọn đi thang bộ, trong khi những sinh viên tầng cao hơn đành phải chờ đợi.
Hình ảnh phóng viên ghi lại tại tòa đơn nguyên 5, ký túc xá Mỹ Đình vào ngày 17/9, thang máy đang được dán thông báo dừng hoạt động. Ảnh: Nguyễn Lệ.
Theo lời một số sinh viên khác cũng sinh sống tại tòa đơn nguyên 5, thang máy thường xuyên bị hỏng hoặc bảo trì khiến nhiều người ở tầng cao vô cùng vất vả trong việc di chuyển.
Một sinh viên tên Đ.V.N. (21 tuổi) chia sẻ: “Phòng tôi ở tầng 17, mỗi lần di chuyển, chúng tôi phải leo thang bộ, quả thực rất mệt mỏi, nhất là khi thời tiết nóng bức lại càng mất sức. Mỗi lần như vậy, nếu ý kiến lên ban quản lý ký túc xá, đều không được giải quyết mà chỉ nhận lại câu trả lời rằng thang máy đang sửa. Tuy nhiên, một tháng, tình trạng thang máy hỏng có thể tiếp diễn tới 4-5 lần”.
Theo ghi nhận của phóng viên tại ký túc xá Mỹ Đình, dù số lượng sinh viên ở rất đông, nhưng trong ngày phóng viên khảo sát, nơi đây không kiểm soát ra vào bằng thẻ hay bất kỳ phương thức nào. Đơn cử, tại đơn nguyên 4 và 5, ai cũng có thể tự do ra vào, thậm chí có thể vào tới tận phòng của sinh viên, mà không có sự kiểm soát nào.
Sinh viên N.T.D. (20 tuổi), học tại một trường đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đang sống tại tầng 20 tòa nhà đơn nguyên 5 (ký túc xá Mỹ Đình) cho biết: “Khu vực Cầu Giấy tập trung rất nhiều trường đại học nên có chỗ ở tại ký túc xá với giá cả "mềm" là điều may mắn. Tuy nhiên, có nhiều điều khiến sinh viên trăn trở. Từ công tác quản lý đến cơ sở vật chất cần phải nâng lên rất nhiều".
Nước có cặn, màu ngả vàng, sinh viên bị nổi mẩn ở da
Phóng viên tiếp tục ghi nhận 1 số ý kiến từ sinh viên đang ở tại Làng sinh viên Hacinco (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội). Theo tìm hiểu, đây là một dự án thí điểm đầu tiên trên địa bàn Hà Nội áp dụng hình thức xã hội hóa giáo dục, do Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội làm chủ đầu tư. Ngày 10/10/2001, làng sinh viên Hacinco chính thức đi vào hoạt động; cho tới nay nơi này không chỉ có sinh viên các trường cao đẳng, đại học xung quanh mà còn có cả các hộ gia đình, người đi làm sinh sống. [2]
Nữ sinh B.N.L. (21 tuổi), sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện bản thân đang sống ở tòa nhà A của Làng sinh viên Hacinco. Diện tích phòng nhỏ, cơ sở vật chất cũng đã xuống cấp, nhưng số người ở 6-8 người.
Nữ sinh cho biết, điều kiện sinh hoạt của sinh viên tại đây không đảm bảo, thường xuyên xuất hiện chuột, gián trên nền nhà và khu vực nấu ăn, gây ra nguy cơ nhiễm mầm bệnh cao. Dù đã dọn dẹp rất nhiều lần nhưng vì cơ sở vật chất xuống cấp, ẩm mốc nên hiện tượng côn trùng làm ổ vẫn tiếp diễn.
Ảnh: NVCC.
Không chỉ với ký túc xá bên ngoài mà với ký túc xá của một số trường đại học tình trạng xuống cấp về cơ sở vật chất, nguồn nước có cặn, màu lờ nhờ...cũng khiến sinh viên ái ngại.
Nam sinh T.H.T., sinh viên năm thứ 2 một trường đại học đóng tại địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, để được vào ký túc xác của trường là điều không dễ dàng vì nhà trường sẽ xét từ sinh viên thuộc diện ưu tiên gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tiếp đó mới đến sinh viên có đăng ký sớm. Tuy nhiên, sinh viên ở đây thường xuyên phát hiện nước ở ký túc xá chứa nhiều cặn bẩn, ngả vàng, thậm chí có lần có cả… giun bên trong.
Hình ảnh sinh viên T. cung cấp. Ảnh: NVCC.
“Đã rất nhiều lần, tôi và các bạn khác phát hiện đầu vòi nước có… giun. Về việc nước không đảm bảo vệ sinh, sau khi lấy vải lọc qua, chúng tôi nhìn thấy có rất nhiều bụi bẩn đọng lại. Tình trạng này kéo dài, khiến một số sinh viên gặp phải các vấn đề da liễu như nổi mụn hay dị ứng, có bạn bị đau bụng. Mặc dù đã phản ánh với ban quản lý ký túc xá, nhưng tình trạng trên cũng chỉ được khắc phục trong một thời gian. Sau đó, nước lại tiếp tục trong tình trạng bị bẩn và ố vàng trở lại” - T. bức xúc.
Thậm chí, để đảm bảo an toàn cho bản thân, một số sinh viên phải tự bỏ tiền túi để lắp hệ thống lọc nước tại phòng sinh hoạt.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tại ký túc xá này cũng trong tình trạng đã cũ kỹ, xuống cấp. Nhiều phòng đã bị bong tróc nặng nề, nền gạch vỡ nát khiến cuộc sống sinh hoạt của sinh viên khá bất tiện.
Chuột xuất hiện trong ký túc xá, tiềm ẩn nguy cơ mang theo mầm bệnh. Ảnh: NVCC.
Nam sinh N.T.T. (21 tuổi), sinh viên một trường đại học ở khu vực quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ về nỗi lo mất an toàn ở ký túc xá của trường. Sinh viên này nhớ lại: “Mặc dù tòa nhà ký túc chúng tôi đang ở có lắp hệ thống camera an ninh, nhưng tình trạng mất cắp vẫn thường xuyên xảy ra. Ban quản lý không giám sát chặt chẽ người lạ ra vào, nên kẻ xấu có cơ hội lợi dụng sơ hở để ra tay.
Có thời điểm, do sinh viên mới nhập học vào nhận phòng, còn chưa quen hết mặt nhau, nên có đối tượng giả danh là sinh viên mới để trà trộn vào. Một người bạn của tôi thấy người này nói chuyện khá gần gũi, lại am hiểu về các tòa nhà trong ký túc xá, nên đã không nảy sinh nghi ngờ. Buổi trưa hôm đó, khi cả phòng quay trở về sau khi ăn trưa bỗng phát hiện hai chiếc máy tính xách tay để trên bàn học đã bị mất lúc nào không hay”...
Nghịch lý sinh viên cần chỗ ở, khu nhà ở cho học sinh, sinh viên lại vắng bóng người
Trong khi rất nhiều khu ký túc xá của các trường đại học trong nội đô xuống cấp, chật chội, số phòng không đáp ứng được nhu cầu của sinh viên, thì ở những vị trí xa hơn, lại có những khu nhà ở cho học sinh, sinh viên đang trong cảnh “vườn không, nhà trống”. Khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) dù đã khởi công từ năm 2009, nhưng đến nay, vẫn vắng bóng người ở, thậm chí có những tòa nhà bị bỏ hoang.
Khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp xây dựng trên diện tích 40.000m2. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước với với tổng chi phí đầu tư 1.900 tỷ đồng, quy mô 6 hạng mục tòa nhà cao tầng (A1, A2, A3, A4, A5, A6), dự kiến hoàn thành năm 2011.
Tuy nhiên, đến năm 2015, do nhiều vướng mắc, chỉ có khối nhà A1, A5, A6 đi được hoàn thiện và đi vào sử dụng. Các hạng mục A2, A3 chỉ được xây xong phần thô, sau đó, dừng thi công và bỏ hoang cho tới tận cuối năm 2023 vẫn chưa được hoàn thiện, vì liên quan đến nguồn vốn xây dựng. Riêng tòa A4 chưa triển khai do chưa hoàn thiện việc giải phóng mặt bằng. [3]
Dự án khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp từng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên học tập, nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Lệ.
Theo quan sát của phóng viên, chỉ có hai tòa nhà đi vào sử dụng là A5, A6 với mật độ sinh viên ở rất thưa thớt. Các tòa như A2, A3 bị bỏ hoang, bề ngoài bị mưa gió bào mòn nên trở nên cũ kỹ.
Vẻ ngoài nhếch nhác của một số hạng mục tại khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. Ảnh: Nguyễn Lệ.
Khu vực được xây dựng dở dang biến thành bãi tập kết rác thải, cỏ cây mọc um tùm. Ảnh: Nguyễn Lệ.
Theo chia sẻ của nam sinh N.V.A. (sinh viên năm 2, Đại học Bách khoa Hà Nội), hầu hết những sinh viên không đăng ký được ký túc xá của trường, sẽ chấp nhận chuyển đến ở đây.
“Khoảng cách từ khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp đến Đại học Bách khoa Hà Nội tầm 7km; những ngày mưa bão, đường rất tắc, tôi phải dậy trước 1 tiếng rưỡi so với giờ vào lớp để chuẩn bị đi học. Ca học sáng bắt đầu vào lúc 6 giờ 45 phút, tôi phải dậy từ 5 giờ hơn thì mới kịp bắt xe buýt tới trường.
Hơn nữa, cung đường di chuyển thường xuyên phải tránh những xe tải lớn, đường tới trường lại đi qua hai bến xe đông đúc là Bến xe Nước Ngầm và Bến xe Giáp Bát, nên khoảng cách không quá xa nhưng mất khá nhiều thời gian. Những hôm trường có hoạt động ngoại khóa hoặc sinh hoạt câu lạc bộ, tôi phải tạm ở lại buổi trưa tại trường.
Tôi cho rằng, đó cũng là một lý do khiến khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp này mặc dù rất rộng, nhưng lại rất “kén” sinh viên, hầu như không mấy ai lựa chọn ở đây”.
Những ô cửa kính tại tòa nhà A5 bị nứt vỡ. Ảnh: Nguyễn Quỳnh.
Theo ghi nhận của phóng viên (vào giữa tháng 10/2024), tòa nhà A5 hiện có 3 thang máy, nhưng chỉ có duy nhất 1 thang máy hoạt động. Mỗi giờ tan học trở về phòng, sinh viên phải xếp hàng chờ đợi khá lâu. Thêm vào đó, bên trong lối thang bộ rất tối, chỉ có một ánh đèn điện chập chờn, không đủ chiếu sáng.
Khi phóng viên ghi nhận vào giữa tháng 10, khu vực cầu thang bộ đèn không đủ sáng. Ảnh: Nguyễn Quỳnh.
Dọc hành lang, rác thải như vỏ cốc nhựa, bao nilon nằm rải rác trên sàn nhà; bình cứu hỏa được sử dụng làm vật chắn cửa.
Một số khu vực khác xung quanh hoặc tại các tòa nhà bị bỏ hoang được sử dụng làm điểm tập kết rác thải.
Xem thêm một số hình ảnh ghi nhận tình trạng nhếch nhác tại khu nhà ở học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp:
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoduc.net.vn/ky-tuc-xa-my-dinh-nhech-nhac-va-trach-nhiem-cua-ong-le-van-duc-post205692.gd
[2] https://baoxaydung.com.vn/lang-sinh-vien-hacinco-bi-bien-tuong-nhu-the-nao-238131.html
[3] https://suckhoedoisong.vn/vi-sao-khu-nha-o-sinh-vien-phap-van-tu-hiep-co-it-sinh-vien-den-o-169231211204515226.htm
Nguyễn Quỳnh - Nguyễn Lệ