Cận cảnh loài ốc cạn mới được phát hiện trong hang động tự nhiên lớn nhất thế giới

Cận cảnh loài ốc cạn mới được phát hiện trong hang động tự nhiên lớn nhất thế giới
5 giờ trướcBài gốc
Ngày 9/1, lãnh đạo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) xác nhận các nhà khoa học vừa phát hiện một loài ốc mới tại hang Sơn Đoòng.
Hình ảnh ốc nón mới được ghi nhận trong môi trường tự nhiên (ảnh: PNKB).
Theo đó, trong quá trình nghiên cứu khoa học tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nhóm nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam phát hiện loài ốc cạn có tên khoa học là Calybium plicatus sp.nov.
Đây là loài thuộc giống Calybium, họ Helicinidae, bộ Cycloneritida, lớp Gastropoda, giới Animalia, được phát hiện tại hố sụt 1, hang Sơn Đoòng. Loài ốc này có hình dạng vỏ tương tự như loài Calybium massiei, Morlet nhưng có kích thước vỏ nhỏ hơn, thành đỉnh có sáu phiến cách đều nhau. Loài ốc cạn mới phát hiện được nhóm nghiên cứu đề xuất đặt tên tiếng Việt là ốc nón Sơn Đoòng.
Hình ảnh mẫu vật ốc nón mới được chụp trong phòng thí nghiệm (ảnh: PNKB).
Để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và bảo tồn loài ốc cạn mới này, lãnh đạo Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ đạo các đơn vị bổ sung vào Danh mục loài mới của Phong Nha - Kẻ Bàng và đưa ra giải pháp để bảo quản, lưu trữ mẫu vật nói trên.
Với thông số đo được, các nhà địa chất cao cấp của thế giới cho rằng hang Sơn Đoòng có thể tích là 38,5 triệu m3. Ngày 30/4/2013, tổ chức Guinness thế giới công nhận hang Sơn Đoòng là hang động lớn nhất thế giới. Các nhà khoa học Mỹ ví von, hang Sơn Đoòng như "chén thánh" đối với các nghiên cứu sinh học, địa mạo trái đất. Bên trong hang động này ẩn chứa cả một thế giới tách biệt, độc đáo với thảm rừng nguyên sinh, sông ngầm và khí hậu riêng.
Hùng Trần
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/can-canh-loai-oc-can-moi-duoc-phat-hien-trong-hang-dong-tu-nhien-lon-nhat-the-gioi-169250109094737372.htm