Tại Hà Tĩnh có 348 hồ chứa thủy lợi, trong đó hơn 130 công trình hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp, đặc biệt, có 47 công trình hồ chứa xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ cao.
Hầu hết các công trình hồ đập được xây dựng từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước trong điều kiện tiêu chuẩn, máy móc thiết bị không đảm bảo yêu cầu.
Trải qua nhiều năm vận hành khai thác, ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết mưa lũ bất thường nên đến nay nhiều công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng. Trong ảnh:Thân đập Quát ở huyện Hương Sơn đang có dấu hiệu xuống cấp.
Hồ chứa nước tại xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cũng xuất hiện tình trạng hư hỏng, thân đập có dấu hiệu rỉ nước.
Tại huyện Hương Khê, hồ chứa nước Cha Chạm (xã Gia Phố) được xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 1977. Sau 47 năm đưa vào khai thác, đến nay hồ chứa nước có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Năm 2023, hồ Cha Chạm bắt đầu có dấu hiệu bị nứt. Năm 2024, tại hồ chứa nước tiếp tục xuất hiện thêm nhiều điểm nứt trên đỉnh đập dài hàng chục mét, chiều sâu chỗ lớn nhất 35cm, chiều rộng đường nứt 1,5cm. Ngoài ra phát hiện một số điểm bị sạt trượt mái thượng lưu đập với chiều dài 20m, chiều rộng nơi lớn nhất gần 20cm.
Hồ chứa nước Khe Cọi tại xã Hà Linh xuống cấp, chính quyền địa phương đã gia cố bằng cách đóng cọc nhồi, đắp bờ bao. Hồ chứa này xuất hiện nhiều điểm xói lở, hở khoét hàm ếch.
Ông Phan Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, cho biết, trong quá trình kiểm tra, những hồ đập không đảm bảo an toàn, huyện đã yêu cầu các địa phương, đơn vị không tích nước hoặc hạn chế tích nước để đảm bảo an toàn khi mùa mưa lũ đến. Đặc biệt, địa phương thực hiện phương án “4 tại chỗ”, huy động lực lượng, phương tiện tu sửa, gia cố hồ đập và lồng ghép các nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng công trình.
Việc hư hỏng, xuống cấp của nhiều hồ đập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Nếu không sớm có phương án cụ thể, kịp thời sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục bị hư hỏng thì mưa bão sẽ đe dọa đến sản xuất, đời sống của người dân.
Hoài Nam