Cận cảnh những hình ảnh nghi lễ 'Tống cựu nghinh tân' ở Hà Nội

Cận cảnh những hình ảnh nghi lễ 'Tống cựu nghinh tân' ở Hà Nội
4 giờ trướcBài gốc
Các nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tái hiện nghi thức, phong tục dân gian và cung đình độc đáo được diễn ra tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long
Đây là những hoạt động góp phần gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp của cha ông, khơi nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ
Các nghi lễ “tống cựu nghinh tân” khép lại năm cũ và đón chào mùa xuân mới với mong ước an vui, sum vầy, bao gồm: Lễ cúng ông Công ông Táo, lễ phất thức, phong ấn, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu, lễ dựng nêu...
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà tham gia nghi lễ dựng cây nêu
Lễ dựng cây nêu là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Cây nêu là biểu tượng của mùa xuân, mang những ý nghĩa tốt đẹp, phúc lành
Nhiều nghi lễ truyền thống lần đầu tiên được tái hiện theo hình thức sân khấu hóa
Tái hiện lễ tiến lịch hoàng cung
Lễ tiến lịch và ban lịch thể hiện sự coi trọng của triều đình phong kiến đối với việc làm lịch cũng như quan tâm đến các hiện tượng thời tiết, khí hậu, ngày giờ tốt, vấn đề thiên thời địa lợi để phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống sinh hoạt hàng ngày
Các nghi lễ được diễn ra trang trọng theo đúng lịch sử
Lễ “Tống cựu nghinh tân” là một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt, khởi đầu cho Tết nguyên đán và mùa lễ hội của Việt Nam
Phong tục thả cá chép dựa trên sự tích cá chép vượt vũ môn và hóa rồng. Sau khi làm lễ tại Điện Kính Thiên, cá chép được đưa đi thả. Phong tục này có ý nghĩa là cầu mong sự sinh sôi, phát triển của người Việt xưa
Đoàn rước trong trang phục truyền thống áo the, khăn xếp
Cá chép được đựng trong chậu bằng đồng thau, sau khi làm lễ cúng được rước ra sông cổ tại khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu để phóng sinh
Sự kiện không chỉ thu hút đông đảo du khách mà còn mang đến những trải nghiệm độc đáo, giúp mọi người hiểu sâu hơn về phong tục, nghi lễ trang nghiêm của cha ông ta ngày xưa
Lễ đổi gác tại cổng Đoan Môn là một nghi lễ quan trọng nhằm đảm bảo an ninh, thể hiện sự uy nghiêm của triều đình được tái hiện
Sự kiện tái hiện đã mang đến cho du khách một góc nhìn chân thực về công tác canh phòng thời xưa, với đội ngũ lính gác trong trang phục chỉnh tề, vũ khí sẵn sàng, thực hiện nghi thức giao ca theo đúng trình tự truyền thống
Việc tái hiện các nghi lễ truyền thống tại di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long không chỉ mang tính giải trí mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quý giá của dân tộc
Đâu cũng là dịp để quảng bá hình ảnh Hoàng thành Thăng Long đến với bạn bè trong nước và quốc tế, khẳng định vị thế di sản văn hóa thế giới. Hoàng thành Thăng Long không chỉ là một công trình lịch sử mà còn là không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp mọi người thêm yêu và tự hào về truyền thống dân tộc
Lam Thanh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/can-canh-nhung-hinh-anh-nghi-le-tong-cuu-nghinh-tan-o-ha-noi-post601869.antd