Sau vài năm sử dụng mặt cầu gỗ lim siêu sang, nổi tiếng ở quận Thuận Hóa (TP Huế) dần xuất hiện những vị trí hư hỏng, xuống cấp, một số vị trí gỗ xảy ra tình trạng mục nát.
Những vị trí hư hỏng, mục nát có thể sụt xuống bất cứ lúc nào tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân và du khách tham quan.
Theo ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, có hơn 5 ván lim bị mục dẫn đến biến dạng và hơn 10 tấm khác có dấu hiệu hư hỏng, tập trung chủ yếu ở đầu cầu phía gần UBND TP Huế.
Một người dân thường xuyên chạy bộ trên mặt cầu gỗ lim ở Huế cho biết, từng nhiều lần bị "sụt hố" khi chạy trên cầu.
Cầu hư hỏng tạo thành lỗ hỏng vừa mất thẩm mỹ vừa có nguy cơ mất an toàn cho người dân, du khách.
Đại diện Trung tâm Công viên Cây xanh quận Thuận Hóa (TP Huế) - đơn vị tiếp nhận và quản lý cầu gỗ lim, cho biết, thực trạng một số mặt cầu bằng gỗ lim bị mục nát là do tác động của thời tiết khắc nghiệt, như nắng gắt và ngâm trong nước lũ trong thời gian dài.
Đại diện Trung tâm Công viên Cây xanh quận Thuận Hóa khẳng định, sẽ sớm có phương án thay thế những phần gỗ lim bị mục nát để đảm bảo tính thẩm mỹ cũng như sự an toàn, thoải mái cho người dân và du khách khi đến cầu gỗ lim.
Đáng chú ý, vào năm 2018 (thời điểm bắt đầu triển khai xây dựng cầu gỗ lim), Báo Điện tử VTC News từng có loạt bài phản ánh những tranh cãi khi Huế triển khai xây dựng cầu đi bộ bằng gỗ lim siêu sang trên sông Hương.
Theo đó, nhiều luồng thông tin đánh giá việc làm cầu đi bộ bằng gỗ lim ở địa phương có thời tiết khắc nghiệt và nhiều lũ lụt như TP Huế là không phù hợp dễ hư hỏng.
Cũng trong năm 2018, Báo Điện tử VTC News cũng từng phản ánh, trong quá trình thi công cầu gỗ lim siêu sang ở Huế xuất hiện nhiều tấm ván gỗ có tình trạng nứt chân chim, có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng. (Ảnh chụp năm 2018).
Công trình cầu đi bộ lát gỗ lim là dự án thí điểm của dự án "Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm" do KOICA (Hàn Quốc) tài trợ. Cơ quan tư vấn thiết kế lập quy hoạch và dự án thí điểm là Viện nghiên cứu Han-A và Công ty Kỹ thuật Dohwa của Hàn Quốc.
Tổng kinh phí thực hiện dự án là 52,9 tỷ đồng, chi phí xây lắp 51,2 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400; mặt trên sàn bê tông được lát mặt gỗ lim dày 5cm, liên kết với sàn bê tông cốt thép. Tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim là 2.438m2. Công trình do Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế (nay là TP Huế) làm nhà thầu thi công xây lắp.
Dự toán tổng chi phí gỗ lim lát sàn cho cầu đi bộ là 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý (ngâm hóa chất, sấy...) và gia công, lắp dựng. Theo hồ sơ thiết kế của đơn vị tư vấn Hàn Quốc, nguồn gốc gỗ lim là nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi, hoàn toàn không ảnh hưởng đến rừng và chủ trương của Chính phủ Việt Nam.