Quốc lộ 13, tuyến giao thông huyết mạch nối TP HCM với Bình Dương, Bình Phước và Tây Nguyên được tính toán mở rộng nhằm giảm tải áp lực giao thông, cải thiện kết nối vùng.
Trục huyết mạch nối TP HCM - Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đón lưu lượng phương tiện lớn vào giờ cao điểm
Ghi nhận thực tế, đoạn đường từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm. Mặc dù xe máy đã không còn tình trạng leo vỉa hè, nhưng giao thông vẫn không khả quan hơn do mặt đường chưa được mở rộng đồng bộ, nhiều nút thắt cổ chai cùng với tình trạng lấn chiếm vỉa hè, thậm chí có đoạn gần như không có lối cho người đi bộ.
Anh Nguyễn Đình Ngọc (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), tài xế xe công nghệ, chia sẻ mỗi lần chở khách qua Quốc lộ 13 đều rất vất vả. "Vừa thoát khỏi đoạn Xô Viết Nghệ Tĩnh lại gặp ngay Quốc lộ 13. Nếu có đám cưới hay tai nạn thì coi như kẹt cứng, đường biến thành bãi đỗ xe khổng lồ, đi 10 cây số mất cả tiếng đồng hồ", anh Ngọc nói.
Trước tình trạng này, TP HCM đã lên kế hoạch nâng cấp, mở rộng tuyến đường theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 21.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chi 14.707 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, phần còn lại do nhà đầu tư đóng góp.
Theo đề xuất, đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình dài 6,3km sẽ được mở rộng lên 60m với 10 làn xe. Một tuyến đường trên cao dài 3,2km cũng sẽ được xây dựng từ nút giao Bình Triệu đến nút giao Bình Phước, với tốc độ thiết kế 80km/h. Phía dưới, đường song hành mỗi bên rộng ba làn xe, cho phép di chuyển tối đa 60km/h.
Tại các nút giao trọng điểm như cầu Bình Lợi và Bình Phước, dự án sẽ bổ sung hầm chui hai chiều để giảm tải. Cầu Vĩnh Bình cũng được mở rộng lên 10 làn xe, đảm bảo kết nối liên vùng thông suốt. Dự kiến, khoảng 15,6ha đất bị thu hồi, ảnh hưởng đến hơn 1.150 hộ dân.
Lộ trình triển khai dự án sẽ bắt đầu từ quý I/2025 với bước trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng kéo dài từ quý III/2025 đến quý III/2026, sau đó khởi công từ quý III/2026 và hoàn thành vào năm 2028.
Trước đây, đoạn đường này từng thuộc dự án cầu và đường Bình Triệu 2 triển khai theo hình thức BOT từ hơn 20 năm trước nhưng bị đình trệ do hợp đồng BOT bị hủy bỏ. Nay, nhờ cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, TP HCM có thể áp dụng lại mô hình BOT để cải tạo hạ tầng hiện hữu, kỳ vọng tạo bước đột phá trong phát triển giao thông đô thị.
TP HCM nghiên cứu TOD Hàng Xanh – Bình Triệu
Công ty CII đề xuất phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) từ Hàng Xanh đến chân cầu Bình Triệu và sẽ tự thuê tư vấn để hoàn chỉnh ý tưởng. Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao đề xuất này, yêu cầu doanh nghiệp nghiên cứu hạ tầng xanh, chính sách bồi thường, tái định cư và báo cáo Sở GTVT TP HCM.
Sở GTVT làm đầu mối phối hợp với các sở, ngành để đề xuất chính sách TOD, đấu thầu và bổ sung vào đề án metro. Sở Quy hoạch - Kiến trúc hỗ trợ CII điều chỉnh quy hoạch.
Khu vực nghiên cứu có các tuyến đường chính: Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí, Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh – quốc lộ 13, vốn thường xuyên ùn tắc.
Cận cảnh trục đường huyết mạch nối TP HCM - Bình Dương:
Là một tuyến giao thông chính nhưng quốc lộ 13 thường xuyên ùn ứ
Quốc lộ 13 có độ rộng mặt đường hiện hữu từ 19 - 26m
Đoạn quốc lộ 13 được mở rộng từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, TP Thủ Đức
Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn tiếp nối của quốc lộ 13 từ ngã tư Bình Triệu đến ngã tư Hàng Xanh cũng thường xuyên ùn ứ
Ngọc Quý