Ngày 7-7, đơn vị thi công đang tiến hành trục vớt tàu Thành Hưng 06 bị mắc cạn tại vùng biển xã Phước Dinh, tỉnh Khánh Hòa. Tàu Thành Hưng 06 đã mắc cạn tại vùng biển thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh hơn 2 năm qua.
Trước đó, ngày 26-2-2023, tàu Thành Hưng 06 đang trên hành trình từ cảng Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) đi cảng Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) thì bị mất bánh lái, trôi dạt và mắc cạn tại bãi rêu thôn Từ Thiện.
Bãi rêu thôn Từ Thiện nhiều năm qua là điểm thu hút khách du lịch tìm đến check-in và trải nghiệm tại Ninh Thuận với vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ và thơ mộng. Con tàu mắc cạn nằm tại bãi rêu tăng thêm điểm nhấn cho du khách tìm đến check-in.
Tuy nhiên, qua thời gian, con tàu mắc cạn bị nước biển ăn mòn có dấu hiệu rạn nứt thân một bên thân. Chính quyền xã Phước Dinh đã cảnh báo người dân không được ra khu vực tàu để check-in chụp ảnh, tránh gây nguy hiểm.
Đến tháng 5-2025, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt phương án trục vớt con tàu. Theo đó, việc tháo dỡ tàu phải tuân thủ đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường, các chất thải nguy hại và cần có phương án, biện pháp phòng ngừa để giảm thiểu rủi ro trong quá trình tháo dỡ.
Ông Trần Nguyễn Trung Dũng, đại diện đơn vị thi công tháo dỡ tàu Thành Hưng 06, cho biết từ giữa tháng 6, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng đã kiểm tra các két dầu, tiến hành hút sạch nhiên liệu tồn để phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển. Theo phương án, đơn vị tháo dỡ sẽ cắt rời từng bộ phận của con tàu mắc cạn rồi vận chuyển vào bãi tập kết.
Theo phương án, đơn vị tháo dỡ sẽ cắt rời từng bộ phận con tàu có tải trọng hơn 4.500 tấn từ trong ra ngoài, từ cao xuống thấp. Sau đó, các bộ phận sẽ được đưa vào bãi tập kết. Thời gian thực hiện trục vớt là 45 ngày và thực hiện vào thời điểm thủy triều cạn.
Cũng theo ông Dũng, khu vực con tàu mắc cạn cách bờ khoảng hơn 400 mét, có nhiều đá ngầm nên công tác tháo dỡ gặp nhiều khó khăn. Các thiết bị phục vụ cắt rời thân tàu được vận chuyển thủ công để tránh ảnh hưởng đến rạn san hô. "Mọi công đoạn đều được thực hiện cẩn trọng, có sự phối hợp với Bộ đội Biên phòng và lực lượng chức năng để đảm bảo an toàn và không ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển” - ông Dũng nói.
Phần thân tàu sau khi được cắt tháo rời sẽ được đưa lên xe cầu để chở vào bờ khi thủy triều rút, tập kết theo quy định. Tài sản này là của chủ sở hữu bảo quản và vận chuyển về nơi tập kết.
Các bộ phận thân tàu đã bị mục sau nhiều năm bị nước biển ăn mòn.
Hơn 2 năm trước sau khi mắc cạn, Công ty TNHH Mua bán bất động sản Thành Hưng, chủ sở hữu con tàu, đã phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tìm phương án kéo con tàu ra khỏi khu vực mắc cạn để đưa về nơi sửa chữa. Tuy nhiên, chi phí cứu hộ lớn, chủ tàu lại làm ăn thua lỗ nên không thực hiện được. Con tàu này cũng đã được thế chấp ngân hàng. Sau đó, con tàu đã được đấu giá và bàn giao lại cho người trúng đấu giá để tháo dỡ trục vớt.
HUỲNH HẢI