Cần 'cao tốc' trong cải cách thể chế, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Cần 'cao tốc' trong cải cách thể chế, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
3 giờ trướcBài gốc
Bài 1: Đột phá vào “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”
Ngay trong ngày đầu tiên của Kỳ họp (ngày 21/10/2024), hai chữ “thể chế” đã vang vọng trên nghị trường. Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi phát biểu Hội trường Diên Hồng đều nhấn mạnh đến hai chữ "thể chế" và yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật. Điều này đã tạo ra niềm tin, sự hứng khởi và cả trách nhiệm của mỗi đại biểu trong việc cần bước qua lối mòn tư duy, mở ra "cánh cửa" đưa đất nước tiến về phía trước.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong phiên khai mạc Kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Như Ý
Bỏ tư duy "không quản được thì cấm"
Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thẳng thắn nói, trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”.
Theo Tổng Bí thư, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.
Từ đó, Tổng Bí thư yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Như Ý
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi phát biểu khai mạc Kỳ họp cũng nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác xây dựng pháp luật. Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác xây dựng pháp luật phải trên cơ sở cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định; không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc.
“Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài”, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến yêu cầu chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện công việc; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết.
“Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thực thi luật đạt hiệu quả cao nhất”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8. Ảnh: Như Ý
Trước đó, trong cuộc làm việc giữa Ban cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội nhằm trao đổi, thống nhất một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các cơ quan sẽ báo cáo Quốc hội xem xét tăng thời gian họp nếu cần thiết, thậm chí cả buổi tối như cách làm của Hội nghị Trung ương. Đặc biệt, tại Kỳ họp này, Đảng đoàn Quốc hội sẽ quán triệt quan điểm đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
Bước qua những lối mòn tư duy
Thời gian qua, công tác xây dựng thể chế đã có nhiều đổi mới theo hướng kiến tạo, mở đường cho sự phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì công tác xây dựng xây dựng pháp luật vẫn còn nhiều hạn chế. Tư duy “không quản được thì cấm” đâu đó vẫn còn tồn tại, dẫn đến một số quy định sau khi được ban hành đã gây ra những khó khăn cho hoạt động sản xuất, đầu tư kinh doanh của người dân, doanh nghiệp…
Vậy nên, hai chữ “thể chế” khi được vang vọng trên nghị trường đã tạo ra áp lực để các đại biểu đổi mới chính mình khi tham gia thảo luận vào các dự án luật. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai khi phát biểu bày tỏ ấn tượng với quan điểm sâu sắc mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra.
Theo bà Vũ Thị Lưu Mai “chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển, chỉ khi mạnh dạn đi qua những lối mòn tư duy thì mới có thể mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước”.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh: Như Ý
Nhận diện những “điểm nghẽn” trong thể chế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhận diện chính xác, đầy đủ. Nếu những điểm nghẽn đó thuộc chức năng của Quốc hội sẽ xử lý kịp thời.
Cùng với đó, bà Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị rà soát các quy định của pháp luật liên quan về tổ chức bộ máy, trong đó có Luật Tổ chức Quốc hội và các quy định liên quan khác để xác định cụ thể phạm vi ranh giới trách nhiệm, quyền hạn để có căn cứ pháp lý thực hiện đúng yêu cầu “đúng vai”.
“Khi đã đúng vai thì nhất định phải thuộc bài. Vì nếu như đúng vai mà không thuộc bài thì nhất định sẽ tạo ra những sản phẩm kém chất lượng”, bà Mai bày tỏ.
“Chỉ có đổi mới thì mới có thể phát triển, chỉ khi mạnh dạn đi qua những lối mòn tư duy thì mới có thể mở ra cánh cửa đưa đất nước tiến về phía trước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai.
“Cuộc sống là dòng chảy bất tận và không bao giờ dừng lại, cho dù đổi mới ở khía cạnh nào, màu sắc nào, cho dù là Quốc hội hay Chính phủ thì chúng ta có quyền tin rằng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo đúng đắn của Đảng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu và sẽ tiếp tục hoàn thiện được một thể chế mà ở nơi đó sẽ có những đòn bẩy kinh tế, tạo cảm hứng cho phát triển và cũng là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, nữ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách nêu.
Trung ương kiến tạo, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm
Để gỡ “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, thời gian Chính phủ và Quốc hội đã có sự phối hợp nhịp nhàng và quyết liệt tháo gỡ các bất cập trong các quy định của pháp luật nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Như Ý
Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi nhiều quy định pháp luật theo cách thức dùng một luật sửa nhiều luật. Cụ thể: Chính phủ trình dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Nói về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: lần sửa đổi này thể hiện tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sẽ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.
Việc sửa đổi cũng nhằm bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Theo ông Dũng, quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước. “Trước đây chúng ta chỉ tập trung vào vấn đề quản lý nhưng chưa nghĩ đến làm thế nào để kiến tạo cho phát triển. Lần này sẽ thể hiện một cách rõ nét hơn. Đây là một vấn đề rất lớn”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kể việc Trung Quốc xây dựng một nhà máy ô tô hàng tỷ USD chỉ có 11 tháng, làm một trung tâm thương mại hàng trăm triệu USD có 68 ngày. Hay Dubai xây dựng một thành phố 600ha, 500 tòa nhà, 20 tỷ USD làm đúng 5 năm.
"Còn ở ta, với một “rừng” quy định, thủ tục thì xây dựng một Dubai phải mất 1.500 năm. Tại sao người ta làm được như vậy? Thành phố Dubai sau khi thiết kế xong, Quốc vương đến duyệt toàn bộ thiết kế chỉ mất 2 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, mỗi khách sạn 5 sao ở Việt Nam phải mất 3 năm thủ tục”, ông Dũng nói.
Từ hai ví dụ trên, ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc cần đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, trong đó giải phóng các nguồn lực, khơi thông các điểm nghẽn.
Trước đó, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/10, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh việc xây dựng pháp luật, hành lang pháp lý không chỉ để quản lý mà còn để kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. "Lâu nay, hàm lượng hỗ trợ, kiến tạo trong pháp luật cũng hơi bị nhẹ hơn so với yêu cầu quản lý. Do đó, chúng ta làm một hồi thì thắt nghẹt hết tất cả. Giờ tư duy mới, Quốc hội đồng hành với Chính phủ về quan điểm này để tháo gỡ khó khăn thực tiễn", ông Bình, nói.
Theo dõi tinh thần đổi mới của Quốc hội, của mỗi đại biểu trong thảo luận, góp ý xây dựng chính sách pháp luật trên nghị trường, nhiều chuyên gia bày tỏ kỳ vọng về những “cao tốc” trong cải cách thể chế sẽ được hình thành để không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, mở ra các động lực mới, đột phá mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Hãy thắp lên ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt, cùng nhau tiến bước để xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước. Những nỗ lực không ngừng nghỉ hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng ngày mai, vì thế hệ tương lai như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội.
Văn Kiên - Trường Phong
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/can-cao-toc-trong-cai-cach-the-che-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-post1692489.tpo