Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, các tài sản chìm đắm do cơn bão số 3 gây ra trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh hầu hết là các phương tiện thủy nội địa và 1 phương tiện đăng ký cấp tàu biển (tàu kéo Hồng Gai) bị chìm đắm.
Hiện nay, việc chi hỗ trợ một phần chi phí trục vớt tàu bị chìm đắm do cơn bão số 3 cho các chủ tàu không thực hiện được từ nguồn chi của Cảng vụ hàng hải do không thuộc danh mục chi được giao (Ảnh minh họa).
Đến thời điểm báo cáo, các tài sản bị chìm đắm trong khu vực Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh quản lý được chủ sở hữu các phương tiện báo cáo đã được thực hiện trục vớt và các chi phí liên quan đã do chủ sở hữu phương tiện chi trả.
Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh đã phê duyệt phương án trục vớt tài sản chìm đắm theo Nghị định số 05/2017 của Chính phủ quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.
Theo Cục Hàng hải VN, các cảng vụ hàng hải trực thuộc Cục đang được hưởng cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. Cảng vụ hàng hải được phân loại mức độ tự chủ tài chính là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên từ nguồn phí hàng hải được để lại.
Theo quy định pháp luật của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định liên quan, việc chi hỗ trợ một phần chi phí trục vớt tàu bị chìm đắm do cơn bão số 3 cho các chủ tàu không thực hiện được từ nguồn chi của Cảng vụ hàng hải do không thuộc danh mục chi được giao.
Cục Hàng hải VN cho biết, hiện quy định của pháp luật về sử dụng nguồn kinh phí thực hiện việc hỗ trợ một phần chi phí trục vớt tàu bị đắm do cơn bão số 3 theo một số nguồn ngân sách như Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh để chi hỗ trợ, dự phòng ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh để chi hỗ trợ, Quỹ dự trữ tài chính của tỉnh Quảng Ninh để chi hỗ trợ, sử dụng dự phòng ngân sách địa phương khác để hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa nghiêm trọng.
Đồng thời, nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ một phần chi phí trục vớt tàu bị đắm do cơn bão số 3 còn được bổ sung từ ngân sách Trung ương cho Ngân sách tỉnh Quảng Ninh để chi khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính theo quy định nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu.
Từ đây, Cục Hàng hải VN kiến nghị Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất việc hỗ trợ thiệt hại của các chủ tàu bị chìm đắm trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa và vùng nước khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương của tỉnh, nguồn xã hội hóa, quỹ dự phòng tài chính, quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh theo quy định.
Cùng đó, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các Sở, ngành của địa phương phê duyệt phương án trục vớt cụ thể đối với các tài sản chìm đắm theo chức năng, nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 05/2017, cũng như phê duyệt phương án cấp bù chênh lệch chi phí trục vớt tài sản chìm đắm và chi phí trực tiếp khác có liên quan được rà soát sau khi đã trừ đi khoản thu được do bán tài sản chìm đắm sau khi trục vớt.
Điều này nhằm giảm một phần thiệt hại, khó khăn của các chủ tàu, chủ phương tiện thủy bị chìm đắm sau cơn bão số 3.
Cục Hàng hải VN cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh kịp thời xem xét, hỗ trợ bổ sung một phần ngân sách trung ương cho tỉnh trong tổng kinh phí hỗ trợ các chủ tàu, chủ phương tiện thủy bị chìm đắm sau cơn bão số 3 theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước.
Hồ An