Cấp 3 là giai đoạn các em học sinh đối mặt với nhiều biến đổi tâm sinh lý, kèm theo những áp lực không hề nhỏ từ việc thi cử, chuyển cấp,…Điều này, cần người chia sẻ và phòng tâm lý nhà trường là nơi các em tìm đến.
Một trong những lí do khiến phòng tâm lý này hữu ích với học sinh, là bởi chuyên viên tư vấn có chuyên môn và hoạt động độc lập, nên học sinh có thể yên tâm về việc bảo mật với các vấn đề nhạy cảm. Trước đây ở nhiều trường, giáo viên thường kiêm nhiệm luôn vị trí này. Điều này tạo quan hệ song chiều và vi phạm nguyên tắc trong tư vấn tâm lý, khiến các em không dễ mở lòng.
Lí do nhà trường thường phân công kiêm nhiệm như vậy một phần là do các trường công lập chưa có vị trí việc làm với nhân viên tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên đến nay, thông tư mới của ngành giáo dục đã quy định rõ ràng về vị trí việc làm này. Điều này cho thấy nhận thức mới về việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Song hiện nay các phòng tư vấn vẫn thiếu vị trí này, do thiếu nguồn tuyển, thu nhập hạn chế, khiến nhiều người không mặn mà.
Theo nghiên cứu của UNICEF tại Việt Nam, có 9-28% trẻ vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, khoảng 3 triệu trẻ em Việt Nam có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần. Việc hỗ trợ tâm lý ngay từ môi trường học đường có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo sự ổn định, lành mạnh cho học sinh. Để làm được điều này, không thể lơ là việc phát triển bền vững các phòng tư vấn tâm lý.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!
Truyền hình Quốc hội Việt Nam
Nguồn Quốc Hội TV : https://quochoitv.vn/can-chinh-sach-phu-hop-voi-nhan-vien-tu-van-tam-ly-hoc-duong-242995.htm