Cần chính sách thương mại linh hoạt, chủ động, chuẩn hóa để ứng phó thuế đối ứng từ Mỹ

Cần chính sách thương mại linh hoạt, chủ động, chuẩn hóa để ứng phó thuế đối ứng từ Mỹ
4 giờ trướcBài gốc
TS. Phan Hữu Thắng - Chủ tịch Liên chi hội Tài chính khu công nghiệp.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự chủ động ứng phó của Việt Nam trước thông tin Mỹ dự kiến sẽ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam?
TS. Phan Hữu Thắng: Trong bối cảnh Mỹ thông báo sẽ áp dụng mức thuế quan mới với hơn 180 nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, chúng ta đã vào cuộc một cách kịp thời, chủ động từ phía các nhà Lãnh đạo đất nước, đồng thời thể hiện tinh thần nhất quán là Việt Nam luôn có sự tôn trọng và cầu thị trong ngoại giao kinh tế và trong mối quan hệ đối với Mỹ.
Hiện Việt Nam vẫn đang rất tích cực trong đàm phán, trao đổi với phía Mỹ về các biện pháp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, hướng đến thương mại công bằng, bền vững, hài hòa lợi ích của các bên.
Có thể nói, Chính phủ Việt Nam đang rất tích cực thực hiện những giải pháp cần thiết để giải quyết với phía Mỹ, trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những giải pháp mà Việt Nam đã và đang triển khai?
TS. Phan Hữu Thắng: Hàng loạt biện pháp đã và đang được Việt Nam tích cực triển khai nhằm sớm tìm được tiếng nói chung trong giải quyết vấn đề áp thuế nhập khẩu hàng hóa.
Một mặt, Việt Nam cơ bản đã và đang giải quyết những vấn đề quan tâm của phía Mỹ, đặc biệt là chủ động giảm 23 dòng thuế nhập khẩu (nhiều dòng thuế có thuế suất 0%, hoặc thấp hơn mức thuế quan Mỹ áp với Việt Nam); tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; mặt khác, nỗ lực thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại hai nước thông qua các hợp đồng mua hàng hóa từ Mỹ.
Chính phủ cũng lắng nghe ý kiến tham vấn từ các doanh nghiệp; giảm thuế đối với một số nhóm mặt hàng, ngành hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam, rà soát để xem xét, gỡ bỏ các rào cản kỹ thuật; có giải pháp ứng phó với vấn đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; tăng cường nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Mỹ…
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng thuế nhập khẩu, Việt Nam cần có chính sách thương mại linh hoạt – chủ động – chuẩn hóa. Ảnh: Internet.
Các thông tin mới cập nhật cho thấy, Việt Nam đang đẩy mạnh việc mua hàng hóa từ Mỹ; nỗ lực để dỡ các rào cản cho các sản phẩm hàng hóa nông sản Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam như ngô, đậu tương, trái cây, thịt bò, thịt gà và gần đây các sản phẩm biến đổi gen để làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Việt Nam đang rà soát sửa đổi quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam. Trong quá trình sửa đổi Việt Nam sẽ gửi ý kiến tham vấn của các đối tác Mỹ để bảo đảm các rào cản kỹ thuật tiếp tục được dỡ bỏ theo hướng thông thoáng nhất.
Về ứng phó với vấn đề chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Hải quan tăng cường quản lý đối với hoạt động xuất nhập khẩu; nâng cao nhận thức, hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về phòng vệ thương mại, xuất xứ, hải quan, chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại… Đồng thời, Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Mỹ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.
Những nỗ lực ngoại giao kinh tế của Lãnh đạo Chính phủ đang hướng về một kết quả đàm phán tốt đẹp, công bằng, hài hòa với lợi ích của hai nước – hai Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Mỹ với gần 30 năm cùng xây dưng quan hệ ngoại giao tốt đẹp.
Phóng viên: Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, Việt Nam cần tận dụng, phát huy quan hệ hợp tác với các đối tác chiến lược khác như thế nào?
TS. Phan Hữu Thắng: Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam về thương mại, đầu tư. Về triển vọng quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc, hai bên tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị chung giữa doanh nghiệp Việt – Hàn, trong đó doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư sâu hơn vào sản xuất tại Việt Nam, từ nguyên vật liệu đến khâu hoàn thiện; tăng hàm lượng giá trị gia tăng nội địa để tránh bị Hoa Kỳ cáo buộc "lẩn tránh thuế" hoặc gắn mác "gia công đơn thuần".
Đồng thời, hai bên tiếp tục hợp tác kỹ thuật để đạt tiêu chuẩn cao của Mỹ, doanh nghiệp Hàn Quốc hỗ trợ chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng tốt hơn các rào cản kỹ thuật từ Mỹ; liên kết trong các trung tâm kiểm định – chứng nhận chất lượng đạt chuẩn quốc tế để tăng uy tín sản phẩm xuất khẩu.
Việt Nam và Hàn Quốc cũng có thể hỗ trợ pháp lý và phối hợp phòng vệ thương mại. Theo đó, cần thành lập cơ chế cảnh báo sớm và phản ứng chung với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp. Phối hợp giữa các hiệp hội ngành hàng và luật sư thương mại quốc tế để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam trước các vụ điều tra từ Mỹ.
Với định hướng đa dạng hóa thị trường và tận dụng FTA, Việt Nam và Hàn Quốc cùng thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào Mỹ. Đồng thời, tận dụng các FTA mà hai nước cùng tham gia như CPTPP, RCEP, EVFTA… để tìm đầu ra thay thế.
Về đối thoại chính sách với Mỹ, Việt Nam và Hàn Quốc cùng thúc đẩy đối thoại chính sách ba bên (Việt Nam – Hàn Quốc – Mỹ) về thương mại công bằng và chuỗi cung ứng tin cậy.
Hàn Quốc, với vai trò là đối tác chiến lược của Mỹ, có thể giúp "giải thích" vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu một cách tích cực.
Về đầu tư, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam và Hàn Quốc có triển vọng đẩy mạnh hợp tác đầu tư để nâng tầm sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, tiếp tục thúc đẩy đầu tư của Hàn Quốc vào các ngành công nghệ cao, tạo nền tảng cho Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu; tăng đầu tư vào nghiên cứu – phát triển (R&D), công nghiệp hỗ trợ, logistics để tăng năng lực cạnh tranh xuất khẩu.
Với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất, cần chủ động cân bằng cán cân thương mại, tăng tỷ trọng xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến, công nghiệp nhẹ sang Trung Quốc.
Đồng thời, kiểm soát nghiêm ngặt các hoạt động chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc qua Việt Nam để lẩn tránh thuế của Mỹ – tránh làm tổn hại hình ảnh quốc gia; thúc đẩy hợp tác biên mậu quy chuẩn hóa, giảm lệ thuộc vào các kênh thương mại "phi chính thức".
Phóng viên: Ông có khuyến nghị gì đối với định hướng chính sách của Việt Nam để ứng phó với chính sách thuế đối ứng của Mỹ?
TS. Phan Hữu Thắng: Trước việc Mỹ dự kiến áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, định hướng chính sách của Việt Nam cần tập trung vào các mục tiêu chiến lược.
Trước hết, cần duy trì quan hệ kinh tế – thương mại ổn định với Hoa Kỳ. Tăng cường đối thoại song phương để minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tránh bị hiểu lầm là "lẩn tránh thuế"; tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ và chuẩn mực lao động, môi trường theo yêu cầu từ phía Mỹ; tích cực phản biện qua kênh Tổ thức Thương mại Thế giới nếu các biện pháp của Mỹ vi phạm luật thương mại quốc tế.
Đồng thời, cần nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại. Theo đó, đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ – số hóa – xanh hóa sản xuất nhằm tăng giá trị hàng xuất khẩu; hạn chế phụ thuộc vào gia công, tiến tới sản xuất có hàm lượng chất xám cao, có khả năng đứng tên thương hiệu Việt.
Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng. Cụ thể, thúc đẩy các FTA như CPTPP, EVFTA, RCEP để tăng khả năng tiếp cận các thị trường khác ngoài Mỹ; mở rộng hợp tác với các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, ASEAN nhằm giảm rủi ro tập trung thị trường.
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng thuế nhập khẩu, Việt Nam cần có chính sách thương mại linh hoạt – chủ động – chuẩn hóa, vừa bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa giữ được sự ổn định trong quan hệ với cả Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc – ba đối tác chiến lược then chốt.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Hiền (Thực hiện)
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/can-chinh-sach-thuong-mai-linh-hoat-chu-dong-chuan-hoa-de-ung-pho-thue-doi-ung-tu-my.html