Hoạt động xây dựng đã bắt đầu triển khai trở lại tại dự án tổ hợp hỗn hợp Trung tâm thương mại, Dịch vụ, Văn hóa số 148 Giảng Võ. Dự án khu nhà ở tái định cư thuộc khu đô thị Đền Lừ III, phần lan can cũng đã được thay mới. Phía bên ngoài tòa nhà đang được sơn sửa lại với diện mạo đẹp đẽ hơn... Đây là những tín hiệu tích cực sau khi UBND TP Hà Nội quyết liệt triển khai tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm tiến độ. Việc tăng phân cấp, phân quyền đã tạo điều kiện để các cơ chế đặc thù được triển khai nhanh nhất.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khẳng định: "Cơ chế chính sách của chúng ta có rất nhiều thay đổi. Nếu chúng ta không có cơ chế, chính sách đặc thù để các đơn vị chuyên môn cũng như lãnh đạo hai thành phố lớn quyết định được thì mọi thứ sẽ đẩy hết lên trên. Mà vấn đề của địa phương đẩy lên trên thì chỉ là vấn đề thủ tục, đề xuất là do địa phương. Vậy rõ ràng việc phân cấp, phân quyền phải mạnh mới tạo được động lực cho hai thành phố lớn hàng đầu của đất nước có cơ hội phát triển".
Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc áp dụng các cơ chế đặc thù để xử lý, giải quyết các dự án tồn đọng. Đặc biệt, khi Luật Thủ đô 2024 được đi vào thực thi, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc gỡ vướng đối với các dự án “treo”, chậm tiến độ. Luật Thủ đô đã nhấn mạnh tầm quan trọng của phân cấp, phân quyền, giúp rút ngắn thủ tục hành chính và phát huy tối đa vai trò của địa phương.
"Chúng ta cần phải có một bộ máy một cửa để giải quyết vấn đề này xuyên suốt. Chúng ta không làm theo cách làm cũ nữa", ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho hay.
Không chỉ riêng thủ đô Hà Nội, các địa phương khác cũng đang được áp dụng các cơ chế đặc thù để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án “treo”. Mới đây, Nghị quyết 170 của Quốc hội đã mở ra hướng giải quyết, xử lý cho 64 dự án vi phạm trong kết luận thanh tra ở TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa và hơn 1.300 trường hợp vi phạm thời hạn sử dụng đất khi khi cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Đà Nẵng. Nhà nước, Chính phủ, các ngành chức năng đang quyết liệt gỡ nút thắt về pháp lý, phát huy tối đa vai trò của địa phương trong phòng chống lãng phí về đất đai.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Phải tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong công tác phòng, chống lãng phí; nhất là tập trung xử lý dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng, kéo dài, hiệu quả thấp; góp phần huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế kinh tế - xã hội. Xử lý nghiêm không có vùng cấm, không có ngoại lệ theo nguyên tắc trình tự thu hồi; tối đa tài sản, xử lý hành chính; cuối cùng mới là xử lý hình sự. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát kỹ lưỡng; làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài; đề xuất phương án xử lý và xác định rõ thẩm quyền xử lý đối với từng công trình, dự án. Không để đùn đẩy trách nhiệm, sớm đưa công trình, dự án vào khai thác, sử dụng; hoàn thành phương án xử lý trước ngày 30/6/2025".
Cơ chế đặc thù đóng vai trò then chốt trong việc tháo gỡ các nút thắt pháp lý, khơi thông nguồn lực cho các dự án bất động sản đang gặp vướng mắc. Nhờ đó, các dự án có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai, giảm thiểu chi phí phát sinh do chậm trễ. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển mà còn góp phần tăng nguồn cung cho thị trường, ổn định giá cả và bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Đồng thời, việc giải quyết các vướng mắc còn giúp tăng tính minh bạch, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Mỹ Lan
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/can-co-che-dac-thu-go-vuong-du-an-cham-tien-do-318724.htm