Cần cơ chế mạnh mẽ cho vườn ươm 'kỳ lân' trong kỷ nguyên mới

Cần cơ chế mạnh mẽ cho vườn ươm 'kỳ lân' trong kỷ nguyên mới
2 ngày trướcBài gốc
Để các “kỳ lân” Việt phát triển vươn tầm thế giới, rất cần sự hỗ trợ từ nhà nước cả về cơ chế cũng như nguồn vốn. Ảnh minh họa
PV: Thưa ông, trong bài viết gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng yếu tố then chốt giúp kinh tế tư nhân bứt phá, vươn tầm quốc tế là phải thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới. Theo ông, đâu là những vấn đề tập trung để thực hiện được các mục tiêu này?
Ông Võ Xuân Hoài: Để làm được các mục tiêu này, cần sự chung tay của nhiều bên. Từ các cá nhân, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, các quỹ đầu tư… và quan trọng nhất là vai trò của Nhà nước để hỗ trợ hệ sinh thái này phát triển mạnh mẽ, với doanh nghiệp là trung tâm.
Đây cũng là nhiệm vụ mà Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tập trung thực hiện từ khi thành lập đến nay. Hiện nay, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vướng nhất là khuôn khổ pháp lý. Rất nhiều công nghệ mới ra đời nhưng khuôn khổ pháp lý của ta chưa có, chưa bắt kịp với xu hướng phát triển công nghệ.
Ví dụ như công ty Genetica, có trụ sở tại NIC và đang làm về công nghệ AI để giải mã gene. Họ có tiềm năng trở thành kỳ lân mới. Tuy nhiên, họ đang lúng túng khi về quản lý nhà nước, AI thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ, còn về gene thì thuộc Bộ Y tế quản lý. Do đó, hành lang pháp lý mở cho startup là rất quan trọng, phải tạo ra một không gian mở cho doanh nghiệp thử nghiệm những sản phẩm mới.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, yếu tố then chốt giúp kinh tế tư nhân bứt phá và vươn tầm quốc tế là thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới
Theo đó, cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân ứng dụng công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng. Nhà nước cần tạo khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các lĩnh vực công nghệ mới, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực tiên phong như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, công nghệ tài chính (fintech) và y tế thông minh... Triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D). Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các startup, các "kỳ lân công nghệ" mang tên Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Khó khăn thứ hai là vốn. Khi có ý tưởng, kết quả nghiên cứu rồi, doanh nghiệp muốn thương mại hóa sản phẩm thì ở giai đoạn đầu tiên họ rất thiếu vốn. Bởi ít có nhà đầu tư nào tin tưởng để đầu tư ngay giai đoạn này. Chính vì thế, rất nhiều dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam không hiện thực hóa được mà thất bại ngay từ giai đoạn trứng nước. Ở nhiều nơi, như Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, hay Châu Âu, chính phủ có hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở giai đoạn này.
Ngay cả khi tồn tại vượt qua giai đoạn ban đầu, việc hỗ trợ các doanh nghiệp gọi vốn là rất cần thiết. Hàng năm, NIC đã tổ chức các Vietnam Venture Summit, quy tụ các nhà đầu tư thế giới gặp gỡ các startup của Việt Nam. Nguyên tắc của khởi nghiệp là phải có nhà đầu tư, từ nhà đầu tư thiên thần ở giai đoạn sớm đến các nhà đầu tư chiến lược để phát triển, đưa sản phẩm ra thị trường.
Một khó khăn nữa là về đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D). Đầu tư cho R&D là khoản tiền rất lớn và có sự rủi ro cao. Do đó, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, chia sẻ của Nhà nước. Có thể, thông qua các cơ chế đặt hàng doanh nghiệp nghiên cứu. Chẳng hạn như những công nghệ đang rất được quan tâm hiện nay liên quan đến tiền số, trí tuệ nhân tạo… Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền nhưng cũng cần Nhà nước chia sẻ rủi ro. Bởi, đây là chiến lược phát triển của quốc gia, mà để phát triển thì rất cần sự song hành của cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Nếu không được hỗ trợ, dù là doanh nghiệp lớn cũng rất e ngại khi đầu tư vào những lĩnh vực mới, lĩnh vực chiến lược. Thay vào đó, họ đi làm thương mại, kinh doanh bất động sản. Như vậy, sẽ không đạt mục tiêu phát triển công nghệ để đột phá, đi tắt đón đầu, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tất cả những nội dung này đều là nằm trong mục tiêu phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mà NIC đang tập trung thực hiện.
PV: Mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo ông, Nghị quyết có giải quyết được phần nào những vướng mắc trên hay chưa?
Ông Võ Xuân Hoài: Nghị quyết 193 cũng đã giải quyết một phần những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, vì thời gian chuẩn bị rất nhanh để ban hành sớm, nên nội hàm của Nghị quyết chưa bao phủ hết mà chỉ để giải quyết một số dự án cụ thể, một vài điểm nghẽn trước mắt hiện nay.
Còn lại, vẫn chưa giải quyết căn cơ các vấn đề về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Thực tế ngay như một số quy định trong Nghị quyết rất là tốt nhưng để triển khai được không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ sở để tới đây chúng ta sửa đổi, ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó thể chế được tinh thần đổi mới, đột phá mạnh mẽ mà Nghị quyết 57-NQ/TW yêu cầu.
Tôi rất kỳ vọng thời gian tới, với việc thể chế hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, chúng ta có cơ chế đủ mạnh, có vườn ươm dưỡng để khai thác tiềm năng của con người, doanh nghiệp Việt Nam. Những doanh nghiệp xuất sắc của chúng ta sẽ không phải tìm đến những nơi như Singapore, hay Dubai để phát triển, mà tự tin lớn mạnh ngay tại Việt Nam, trở thành những kỳ lân mới của Việt Nam.
PV: Ông đề cập nhiều đến sự cần thiết có hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, cả về cơ chế và nguồn lực. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực rủi ro cao, nếu hỗ trợ như vậy có e ngại sẽ xảy ra thất thoát, lãng phí, hay thậm chí trục lợi?
Ông Võ Xuân Hoài: Đây là một câu hỏi cần đặt ra, nhưng đặt ra là để tìm phương án giải quyết chứ không phải đặt ra để không làm vì sợ rủi ro. Doanh nghiệp hay cá nhân thì cũng đều tìm kiếm sự thành công, muốn có uy tín để phát triển chứ không ai muốn thất bại.
Khi Nhà nước hỗ trợ, hay đặt hàng doanh nghiệp một sản phẩm, dịch vụ công nghệ, nếu thành công cả hai bên đều có lợi, xã hội có lợi. Ngược lại nếu thất bại, như kinh nghiệm các nước, thì họ chấp nhận việc đó. Tất nhiên, hồ sơ của doanh nghiệp được lưu lại, cũng như hồ sơ tín dụng, để cân nhắc nếu doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ những dự án tiếp theo.
Tôi rất chia sẻ quan điểm của cơ quan quản lý khi sợ xảy ra thất thoát, lãng phí, tham ô. Nhưng cách giải quyết là phải tạo ra cơ chế, hành lang pháp lý phù hợp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, theo các tiêu chí, mục tiêu chúng ta mong muốn.
Tất nhiên, chúng ta chỉ ưu tiên những ngành công nghiệp chiến lược đã được xác định chứ không làm theo mô hình "quả mít". Chẳng hạn như các ngành bán dẫn, AI, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo, đường sắt tốc độ cao…
PV: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Yến
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/can-co-che-manh-me-cho-vuon-uom-ky-lan-trong-ky-nguyen-moi-173481-173481.html