Cần có chế tài mạnh hơn trong xử lý vi phạm quảng cáo

Cần có chế tài mạnh hơn trong xử lý vi phạm quảng cáo
8 phút trướcBài gốc
Trong phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.
Đồng thời, tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động quảng cáo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo phát triển; bảo đảm tính phù hợp, đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật khác có liên quan; nâng cao trách nhiệm, năng lực của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo, năng lực doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo.
Cần chế tài mạnh hơn trong xử lý vi phạm quảng cáo
Tham gia góp ý cụ thể về qui định chế tài, xử phạt vi phạm quảng cáo, đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã thống nhất cao quan điểm xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo như tờ trình của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh cơ chế, chế tài xử lý hành vi vi phạm Luật Quảng cáo để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền của UBND cấp huyện trong quản lý quảng cáo.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng, cần có cơ chế, chế tài mạnh hơn nữa xử lý những hành vi vi phạm quảng cáo, quảng cáo không đúng sự thật về tác dụng, chất lượng của sản phẩm, dịch vụ hàng hóa.
Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (Ảnh:Thu Hường)
Theo đại biểu, hiện nay tình trạng lợi dụng hình ảnh, lời nói của người có uy tín, người đứng đầu một số ngành, lĩnh vực để quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ hàng hóa đặc biệt là các sản phẩm hàng hóa liên quan đến lĩnh vực y tế, sức khỏe, thực phẩm chức năng, phân bón… đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, sức khỏe của người tiêu dùng, quyền lợi của người tiêu dùng không được bảo đảm.
Liên quan đến quy định các hành vi bị “cấm” tại khoản 9, Điều 8 của Luật Quảng cáo năm 2012, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị bổ sung thêm hành vi: Quảng cáo không trung thực, không chính xác, không rõ ràng, gây hiểu lầm về tính năng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, dịch vụ hàng hóa.
Liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước trong quản lý hoạt động quảng cáo, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã quy định rõ trách nhiệm nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh.
“Tuy nhiên, liên quan đến quy định thành lập Hội đồng thẩm định quảng cáo do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện. Với nhiều sản phẩm, dịch vụ được quảng cáo trên hệ thống thông tin truyền thông: Báo hình, báo nói, báo in, báo điện tử, tạp chí… Hội đồng thẩm định có thẩm định được hết không? Hay đưa vào mà không thẩm định hết thì sẽ như thế nào? Cơ quan quản lý nhà nước có đủ nguồn lực con người để làm việc này hay không?”- đại biểu đặt câu hỏi và đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cần có quy định cụ thể hơn.
Đại biểu đề xuất nên giao Hội đồng thẩm định về cho các bộ: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp tỉnh… có trách nhiệm thẩm định các sản phẩm hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực của mình.
Cũng liên quan đến nội dung này ở Điều 9 Luật Quảng cáo 2012 quy định Hội đồng thẩm định quảng cáo phải đưa ra kết luận theo quy định quảng cáo nhưng lại không “bắt buộc” tổ chức, đơn vị, cá nhân có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo phải thẩm định quảng cáo. Từ mâu thuẫn trên, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét quy định bắt buộc hay không bắt buộc thẩm định?
Quy định về quảng cáo cần bao quát, rõ ràng, phù hợp thực tiễn
Ở góc nhìn khác, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng: Quy định “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội” còn chung chung, chưa cụ thể. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, bảo đảm bao quát, rõ ràng, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên (Ảnh: Trần Tâm)
Tại Điều 19 về yêu cầu nội dung quảng cáo, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đề nghị, cần quy định kĩ và rõ hơn từ giọng đọc đến chữ viết và phải quy định chung cho tất cả các sản phẩm. Đối với vấn đề quảng cáo trên báo chí, theo đại biểu, trước sự phát triển của quảng cáo trên mạng hiện nay, thị phần quảng cáo báo in đã giảm mạnh. Đặc biệt, vấn đề khó khăn của báo chí không phải diện tích quảng cáo mà chính là không có quảng cáo. Do vậy, việc nới quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống là chưa sát thực tế.
ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa khẳng định, điều quan trọng nhất phải coi quảng cáo là ngành “công nghiệp văn hóa”, cần quan tâm đến lĩnh vực đào tạo cho nhân lực quảng cáo, thúc đẩy dịch vụ này phát triển.
Ngoài ra, một số đại biểu cũng đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc thêm việc quảng cáo bằng những tờ rơi rao vặt để bổ sung cho phù hợp. Về yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thì những nội dung đã được quy định trong luật chuyên ngành không nên quy định lại. Đồng thời, giao Chính phủ quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt khác khi có phát sinh trên thực tế...
Thu Hường
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/can-co-che-tai-manh-hon-trong-xu-ly-vi-pham-quang-cao-357730.html