Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ phạm pháp hình sự do 16 đối tượng ở lứa tuổi TTN gây ra, gồm tội danh: Gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, giết người, trộm cắp tài sản…
Khoảng 3 giờ ngày 12/5/2025, tại khu vực Phố đi bộ Kim Đồng (phường Thục Phán) xảy ra vụ xô xát giữa 3 thiếu niên. Các đối tượng này sử dụng dao, gậy để đánh, chém nhau. Hậu quả đã khiến 1 người bị thương tích ở nhiều vùng trên cơ thể, phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Ngày 13/6/2025, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh bắt tạm giam các đối tượng trên. Qua điều tra xác minh ban đầu, cơ quan công an xác định 3 thiếu niên trên trong lúc uống rượu thì xảy ra mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau. Đáng chú ý tất cả các đối tượng trên đều trong độ tuổi học sinh.
Trong tháng 5/2025, vụ án hình sự giết người xảy ra tại xã Sơn Lộ. Nhóm đối tượng gồm: N.V.S (sinh năm 2004); L.V.M (sinh năm 2007); M. T.K (sinh năm 2007) cùng trú tại xóm Pù Mô và L.T.H (sinh năm 2008), trú tại xóm Phiêng Lẹng, xã Sơn Lộ đã dùng xe máy đuổi theo chặn xe của H. A. Tr (sinh năm 2008), đang điều khiển xe máy chở theo hai người phụ nữ, sau đó đối tượng N.V.S dùng một thanh kim loại phi vào vùng đầu của Tr, hậu quả thanh kim loại cắm vào đầu khiến Tr tử vong tại chỗ, còn người đi cùng bị thương ở vùng đầu.
Qua 2 vụ việc nghiêm trọng trên cho thấy tính chất liều lĩnh, manh động của TTN, nhất là đối với trẻ chưa thành niên hiện nay. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do các đối tượng này đều ở lứa tuổi mới lớn, chưa am hiểu về pháp luật, hơn nữa các em chưa lường hết hậu quả nghiêm trọng do hành vi sai trái của mình gây ra, không biết kiềm chế bản thân, bị ảnh hưởng bởi những thói hư, tật xấu từ xã hội và phim ảnh. Đặc biệt, người chưa thành niên vi phạm pháp luật là do thiếu sự quan tâm giáo dục, chăm sóc, dạy dỗ của gia đình. Nhiều trường hợp vi phạm có hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, các em phải tự mình bươn chải, đối phó với những khó khăn trong cuộc sống, từ đó tụ tập, bị bạn bè xấu lôi kéo vào con đường phạm tội. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các dịch vụ giải trí như internet, nhà hàng karaoke phát triển ngày càng nhiều, để có tiền chơi game, các em đã cấu kết với nhau thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng; cố ý gây thương tích, trộm cắp…
Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh lên phương án phòng, chống tội phạm lứa tuổi thanh thiếu niên.
Thượng tá Phạm Hùng Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, các TTN vi phạm pháp luật đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Những hành vi vi phạm rất manh động. Các đối tượng có những hành vi dùng hung khí, vũ khí như dao, kiếm, gậy... Những dụng cụ được chế tạo theo ý tưởng của các thanh niên gây ra những thương tích cho người xung quanh. Mặc dù là lứa tuổi mới lớn, nhưng không có biện pháp răn đe và kiên quyết trong công tác đấu tranh đối với TTN vi phạm pháp luật thì sẽ gây hệ lụy đến lứa tuổi sau này, từ đó ảnh hưởng đến xã hội, không chấp hành vi phạm pháp luật đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ba môi trường: Gia đình, nhà trường, xã hội. Những năm qua, lực lượng công an chỉ đạo duy trì, thực hiện mô hình “Quản lý, giáo dục trẻ em, người chưa thành niên sống lang thang, vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư”; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện công tác cảm hóa, quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng.
Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Giang Bùi Thu Hằng cho biết: Hiện nay, tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi TTN có chiều hướng diễn biến phức tạp. Nhà trường luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường để nhằm hạn chế vi phạm pháp luật trong lứa tuổi TTN. Thường xuyên phối hợp với công an tổ chức các buổi ngoại khóa đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật cho học sinh các nội dung liên quan như: An toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường hay các tệ nạn trong xã hội…
Để TTN có nhận thức đúng, không vi phạm pháp luật cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhà trường, các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giáo dục và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Cùng với đó là việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh để TTN rèn luyện đạo đức, say mê học tập, lao động, tránh xa những thói hư tật xấu và các tệ nạn xã hội. Đồng thời, gia đình và nhà trường cần có sự phối hợp đồng bộ trong công tác giáo dục TTN. Đặc biệt là những TTN có những biểu hiện lệch lạc về suy nghĩ, tư tưởng, muốn thể hiện bản thân. Lực lượng Công an tiếp tục lập danh sách, theo dõi, đưa vào diện quản lý các TTN có điều kiện, khả năng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự. Chủ động nắm tình hình các hội nhóm trên không gian mạng có liên quan đến rủ rê, lôi kéo TTN tụ tập, vi phạm pháp luật.
Phương Oanh