Cần có kế hoạch và lộ trình phù hợp

Cần có kế hoạch và lộ trình phù hợp
8 giờ trướcBài gốc
Góc đường Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn, gần trụ sở UBND TP.HCM
Thông tin từ Sở VHTT TP.HCM cho biết, từ năm 2005 đến nay, TP.HCM đã đặt tên cho 643 tuyến đường và công trình công cộng, đổi tên 3 tuyến đường, điều chỉnh lý trình 19 tuyến đường. Các tên đường được lựa chọn dựa trên giá trị lịch sử, danh nhân văn hóa, địa danh tiêu biểu…
Có hàng loạt tuyến đường trùng tên
Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, Hội Khoa học Lịch sử TP.HCM, tính luôn giai đoạn từ 1984-2024, TP.HCM đã đặt tên 1.299 tuyến đường, đổi tên 18 tuyến và điều chỉnh lý trình 86 tuyến đường. Việc sáp nhập địa phương và phát triển đô thị nhanh chóng đã khiến tình trạng trùng tên đường trở nên phổ biến hơn. Sau đợt sáp nhập này, TP.HCM ghi nhận ít nhất 12 tuyến đường trùng tên, như đường Phan Văn Trị, đường Tân Mỹ, đường Nguyễn Thị Nhỏ, đường Hồ Văn Long, đường Chu Văn An…
Ông Nguyễn Thành Nghĩa, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa gia đình (Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương, cũ) cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh Bình Dương (cũ) đã đặt mới hơn 770 tên đường tại các đô thị lớn và các tuyến đường xã…
Công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, như tình trạng trùng tên trong cùng địa bàn gây nhầm lẫn; số lượng tên đường mang tên địa danh, nhân vật lịch sử địa phương còn ít; việc lấy ý kiến cộng đồng đôi khi hình thức, chưa phản ánh đầy đủ nguyện vọng; chưa ứng dụng công nghệ thông tin, chưa số hóa dữ liệu...
Theo bà Ngô Thị Loan, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VHTTDL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũ), từ năm 2016, tỉnh đã phê duyệt ngân hàng dữ liệu tên đường với 1.000 tên, phục vụ nhu cầu đặt, đổi tên đường. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh khiến nhu cầu tăng cao, dẫn đến trùng lặp ở nhiều nơi.
Để khắc phục, từ năm 2024, Sở đã khảo sát, bổ sung gần 300 tên mới. Đến đầu năm 2025, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt thêm 30 nhân vật lịch sử tiêu biểu, 2.959 địa danh, 5 sự kiện, 52 di tích lịch sử và 2 sự kiện văn hóa thế giới. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương xây dựng đề án đặt, đổi tên đường phù hợp thực tế, minh bạch, tôn vinh lịch sử, văn hóa và thuận tiện quản lý. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn hạn chế như chưa có quy chế riêng; một số tuyến đường chưa có tên gây khó khăn cho quản lý và đời sống người dân.
Theo chuyên gia, những nguyên nhân chính dẫn đến trùng tên là do lịch sử để lại từ giai đoạn hợp nhất các đơn vị hành chính sau 1975 và các lần sáp nhập sau này; xu hướng tôn vinh danh nhân, sự kiện lịch sử, địa danh khiến nhiều địa phương sử dụng tên giống nhau; giai đoạn 1975-1995, các quận, huyện từng tự ý đặt tên khi chưa có quy định thống nhất.
Đặt, đổi tên đường gắn với quy hoạch phát triển đô thị
Trước thực tế này, ông Nguyễn Thành Nghĩa đề xuất Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 91, mở rộng phạm vi áp dụng cho siêu đô thị vùng. Bà Ngô Thị Loan đề xuất Sở VHTT rà soát, tổng hợp xây dựng ngân hàng dữ liệu tên đường chung cho toàn TP.HCM (mới), trên cơ sở dữ liệu hiện có của TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương, tránh trùng lặp.
Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM, cần lập ngay một “quỹ địa danh” để lưu giữ những địa danh đã đi sâu vào lịch sử, tránh bị mất đi khi có sự thay đổi hành chính. Cần có một bộ tiêu chí chi tiết cho việc đặt tên đường, đặc biệt là đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các danh nhân, giúp việc thẩm định của hội đồng trở nên khách quan và dễ dàng hơn.
Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, theo thống kê, các tuyến đường do quận, huyện TP.HCM cũ quản lý là hơn 5.000 đường và hơn 31.500 hẻm, trong đó nhiều hẻm lớn hơn đường, nhưng vẫn chưa có định nghĩa và quy chuẩn rõ ràng. Đây là thách thức lớn trong phân định, gắn biển tên và quản lý.
TS Trương Hoàng Trương (Khoa Đô thị học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) cùng nhóm nghiên cứu đề xuất mở rộng quỹ tên đường bằng cách lấy tên biển đảo, núi, sông, hồ để tăng tính giáo dục địa lý và khẳng định chủ quyền quốc gia; quy định tên tạm (như đường D1, đường số 5...) chỉ nên tồn tại tối đa 1-2 năm, sau đó phải đặt tên chính thức dựa trên tham vấn cộng đồng; chọn tên có ý nghĩa văn hóa, lịch sử hoặc gắn với đặc trưng địa phương.
“Cần quy định cụ thể về tên đường trùng sau sáp nhập. Trong trường hợp sáp nhập tỉnh, thành phố, chỉ nên đổi tên nếu trùng trong cùng một phường, xã để hạn chế xáo trộn, tốn kém chi phí, phiền hà cho dân”, TS Trương nói.
TS Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM cho biết, hiện TP.HCM sau sáp nhập chưa có báo cáo chính thức về số lượng tuyến đường trùng tên, nhưng dự báo tình trạng này gia tăng mạnh. Việc sáp nhập đã đưa TP.HCM trở thành đại đô thị lớn nhất cả nước, với quy mô hơn 6.700 km² và dân số gần 15 triệu người.
Tình trạng trùng tên đường, nhất là giữa các phường, xã khác nhau, đang gây khó khăn cho quản lý hành chính, cấp giấy tờ, vận hành logistics, cứu hộ, cũng như giảm hiệu quả quản lý đô thị. “Giai đoạn 2025- 2030, TP.HCM cần ban hành kế hoạch đổi tên đường có lộ trình phù hợp, ứng dụng công nghệ GIS, tham vấn cộng đồng và học hỏi kinh nghiệm quốc tế”, TS Nhựt nhấn mạnh.
Đặt sự đồng thuận của người dân làm trung tâm
Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TP.HCM Lê Tú Cẩm, việc đặt tên đường phố nên hướng tới mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị di sản. Bà cho rằng, hiện nay thành phố chưa quan tâm đầy đủ đến việc sử dụng tên các di tích lịch sử, văn hóa để đặt tên đường. Bên cạnh đó, việc dùng tên các sự kiện lịch sử cũng còn thiếu vắng. Nếu khai thác đầy đủ các yếu tố này, hệ thống tên đường sẽ góp phần tô đậm bản sắc di sản cho đô thị.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, nhấn mạnh việc đặt, đổi tên đường và công trình công cộng không chỉ mang ý nghĩa quản lý hành chính mà còn là một phần quan trọng trong việc xây dựng bản sắc văn hóa, khẳng định hồn cốt của đô thị và hướng tới mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành đô thị di sản. TP.HCM luôn coi việc đặt, đổi tên đường là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, được thực hiện rất thận trọng và kỹ lưỡng.
Ông Nhựt dẫn chứng, suốt mấy chục năm qua, TP.HCM chỉ đổi tên 18 tuyến đường, chiếm khoảng 1,3% trong tổng số 1.317 tuyến đã đặt, đổi tên. Điều này cho thấy mỗi quyết định đều được cân nhắc kỹ, “cân lên đặt xuống” rất nhiều lần với quy trình chặt chẽ. Với những nỗ lực, TP.HCM cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển.
Tuy nhiên, thực tiễn còn nhiều bất cập. Để khắc phục, ông Nhựt đề xuất ba nhóm giải pháp. Thứ nhất, xây dựng quy chế mới phù hợp thực tiễn phát triển, quy định rõ tiêu chí, thẩm quyền, quy trình đặt, đổi tên đường và công trình công cộng; mở rộng “ngân hàng tên” và khuyến khích cộng đồng, giới khoa học, hội nghề nghiệp tham gia đóng góp, bảo đảm công khai, minh bạch.
Song song đó, đẩy nhanh tiến độ đặt tên cho các tuyến, công trình mới và xử lý tồn đọng các tuyến chưa có tên hoặc chưa chuẩn xác; gắn với chuẩn hóa, số hóa dữ liệu. Đặc biệt, cần rà soát, chỉnh sửa tên đường sai hoặc không còn phù hợp; phân loại mức độ ảnh hưởng để xử lý khéo léo, tránh xáo trộn đời sống người dân. Với những tên sai lâu năm, có thể ghi chú tên đúng kèm theo, điều chỉnh dần qua nhiều thế hệ, đảm bảo ổn định xã hội và tôn trọng lịch sử.
Ông Nguyễn Minh Nhựt khẳng định, tất cả giải pháp đều phải đặt “sự đồng thuận của nhân dân làm trung tâm”, lấy lợi ích cộng đồng làm nền tảng, kết hợp chặt chẽ giữa khoa học, thực tiễn và giá trị lịch sử, vừa tích hợp phương pháp truyền thống, vừa ứng dụng hiện đại. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ hoàn thiện và trình quy chế mới về đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trước 10.12.2025, kịp trình HĐND TP thông qua, để có thể áp dụng từ 2026.
THÙY TRANG
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/doi-song/can-co-ke-hoach-va-lo-trinh-phu-hop-151906.html