Góp ý tại tổ về Dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, đã nói đến thầy thì phải có trò. Mối quan hệ thầy - trò là mối quan hệ không thể tách rời, do đó đòi hỏi dự thảo luật phải đề cập và giải quyết một cách phù hợp. Ý kiến này nhận được sự đồng tình của đông đảo cử tri, nhất là những cử tri đang trực tiếp công tác tại lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Người xưa từng nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, cho thấy sự kính trọng của học trò đối với thầy, cô giáo đã dạy dỗ mình nên người. Thầy, cô với đặc trưng nghề nghiệp của mình luôn là người giữ gìn phẩm chất đạo đức tốt, là tấm gương cho học trò noi theo. Mối quan hệ thầy - trò bao đời nay ở nước ta luôn lấy đạo lý “tôn sư trọng đạo” làm đầu.
Thế nhưng ngày nay, mối quan hệ này đã và đang bị tác động bởi nhiều yếu tố khiến có lúc, có nơi không còn giữ được chuẩn mực vốn có. Hiện tượng “thầy không ra thầy, trò không ra trò” vẫn xảy ra khiến cho tình thầy - trò bị ảnh hưởng. Dễ thấy nhất là việc xuất hiện những hành động làm xấu đi hình ảnh người thầy, như: thầy đánh, mắng học trò; có thái độ vòi vĩnh phụ huynh học sinh; vi phạm đạo đức, lối sống… Trong khi đó, không ít học trò có thái độ hỗn xược với thầy cô, thậm chí chống đối, hù dọa, đuổi đánh cả thầy cô mình...
Thỉnh thoảng, báo chí, mạng xã hội lại đăng tải những clip, hình ảnh về các vụ bạo lực học đường mà ở đó, thầy - trò là những nhân vật chính gây bức xúc, hoang mang trong đời sống xã hội. Điều này đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ thầy trò, đòi hỏi phải kịp thời có những điều chỉnh từ chính sách cho phù hợp để thầy ra thầy, trò ra trò, môi trường giáo dục thực sự an toàn, lành mạnh.
Chính vì những lý do này mà việc nhiều đại biểu Quốc hội khi bàn về Dự thảo Luật Nhà giáo đề nghị bổ sung thêm những quy định về quan hệ thầy - trò được xem là hợp lý, nhất là trong bối cảnh của xã hội hiện đại ngày nay.
Minh Ngọc