Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần làm gì để phát triển, đóng góp tích cực hơn nữa trong sự phát triển chung của đất nước? Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan đã chia sẻ với chúng tôi xung quanh vấn đề này, đặc biệt là đề xuất tư duy mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: NGHINH XUÂN
Từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp
Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, nông sản của Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường thế giới. Vậy Bộ trưởng cho biết chiến lược, mục tiêu trong thời gian tới để nông sản Việt ngày càng vươn xa và phát huy cao hơn nữa giá trị kinh tế?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm 2024 ghi dấu ấn thắng lợi lớn về xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro về thị trường và các giá trị tiềm năng mà chúng ta chưa khai thác được hết. Lẽ ra chúng ta có thể làm tốt hơn nếu có một hệ sinh thái đầy đủ. Tôi từng cảnh báo rằng, đừng thấy chúng ta xuất khẩu một số chuyến hàng mà tưởng rằng đã chiếm lĩnh được một thị trường. Chúng ta xuất khẩu được sầu riêng thành công thì Thái Lan cũng có thể làm được, Malaysia cũng có thể làm được.... các sản phẩm khác cũng vậy. Do đó, để thành công thì ngành nông nghiệp hay cụ thể là từng doanh nghiệp nông nghiệp, người nông dân phải có cách nhìn mang tầm quốc gia. Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chính là xây dựng hình ảnh quốc gia chứ không chỉ nhằm tới lợi nhuận thuần túy.
Một hội chợ trái cây được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: DIỆP ANH
PV: Năm 2024, mặc dù ngành nông nghiệp bị thiệt hại lớn do bão số 3 thế nhưng kết quả vẫn vượt kế hoạch đề ra. Bộ trưởng có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành để ngành nông nghiệp đạt kết quả như vậy?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đầu tiên, chúng ta phải ghi nhận và trân quý những người nông dân lao động sản xuất trên đồng ruộng-những người trực tiếp làm ra kết quả đáng tự hào của ngành nông nghiệp năm 2024 cũng như nhiều năm qua. Nếu không có bà con nông dân, chúng ta không thể đạt được thắng lợi nào. Bộ NN-PTNT hay các bộ, ngành chỉ là đầu mối tạo ra sự kết nối trong công tác quản lý, hỗ trợ bà con. Nếu nói kinh nghiệm thì chính là sự năng động của các địa phương, đặc biệt có sự tham gia trực tiếp và tích cực của bà con nông dân. Điều đáng nói là nông dân của chúng ta đã dần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Còn chính quyền địa phương hiện nay không chỉ đạo sản xuất nữa mà phải hỗ trợ, kết nối được thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây mới là cái quan trọng trong nông nghiệp. Ngày xưa chúng ta chỉ tập trung chỉ đạo, hỗ trợ bà con sản xuất ra nhiều loại nông sản, tăng sản lượng hàng hóa mà chưa chú trọng đến thị trường.
Cùng với đó, chúng ta đã bắt đầu hiểu ra rằng thị trường rất đa dạng, mỗi thị trường lại có thị hiếu, có những đòi hỏi về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật khác nhau. Những thông tin từ Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao... chuyển về kịp thời cho các địa phương. Các địa phương thông tin đến với bà con nông dân. Rõ ràng tư duy sản xuất theo thị trường của bà con nông dân đã ngày càng tốt hơn. Chúng ta đã dần định hình được thói quen sản xuất theo cái mà thị trường cần chứ không phải sản xuất và bán cái chúng ta có.
Nông nghiệp tuần hoàn và chuyện mở rộng không gian hợp tác
PV: Các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, Bộ trưởng nghĩ gì về ý kiến này?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp của chúng ta dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng theo tôi có nhiều tiềm năng để phát triển. Vấn đề là chúng ta sẽ làm gì, làm như thế nào để đánh thức hết tiềm năng của ngành này. Muốn vậy, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp tuần hoàn. Bởi giá trị tuần hoàn trong nông nghiệp mới chỉ được thực hiện sơ khai. Ví dụ về mặt hàng gạo, hiện tại chúng ta mới chỉ sản xuất rồi bán gạo, còn rơm rạ, trấu để sản xuất viên nén năng lượng làm chất đốt, phân bón... cũng chưa được nhiều. Chúng ta đừng chỉ nhìn vào giá trị xuất khẩu ở một loại nông sản nào đó mà quên đi những giá trị khác mà nông sản đó đem lại. Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện tuần hoàn thì mới phát huy được hết giá trị, hiệu quả kinh tế của nông sản.
PV: Vậy để đóng góp tích cực hơn vào hành trình đưa đất nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường thì ngành NN-PTNT sẽ phải làm gì, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nếu nói về mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp thì đến thời điểm này, chúng ta đã vượt xa mục tiêu của cả nhiệm kỳ. Ví dụ, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả và trái cây đạt 5 tỷ USD, thế nhưng đến năm 2024, xuất khẩu mặt hàng này đã đạt 7,12 tỷ USD rồi. Bây giờ chúng ta phải định hình kế hoạch cho nhiệm kỳ tới phù hợp với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chúng ta có chấp nhận chỉ khai thác cái mình đang có không? Tại sao chúng ta không nghĩ mới, vươn xa hơn phạm vi lãnh thổ của đất nước ta là hợp tác với các quốc gia khác để sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) ở chính nước họ? Gần nhất là Lào, Campuchia, xa hơn nữa là các nước châu Phi. Các nước này liên tục đặt vấn đề với Việt Nam trong việc hợp tác, hỗ trợ, giúp phát triển nông nghiệp. Nếu chúng ta sản xuất ở Việt Nam rồi vận chuyển sản phẩm sang bên đó thì chi phí sẽ cao hơn. Nhưng nếu chúng ta hợp tác với các quốc gia nêu trên, trồng lúa, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng... ở quốc gia đó, rồi bán luôn tại đó, một hình thức xuất khẩu tại chỗ thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Theo tôi, chúng ta cần phải tư duy, suy nghĩ đẩy mạnh hợp tác kinh tế vượt không gian lãnh thổ của chúng ta. Làm sao kết nối để tạo ra đa tầng giá trị hơn chứ chúng ta tư duy đơn ngành thì giá trị thấp, sẽ lỡ thời cơ. Nếu chúng ta chậm chân thì nước khác sẽ đến đó, chúng ta có thể đánh mất cơ hội, đánh mất thị trường xuất khẩu.
Đây là vấn đề rất lớn, tôi đã báo cáo Hội đồng Lý luận Trung ương, đồng thời đề xuất, kiến nghị lãnh đạo các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét đưa vào báo cáo và dự thảo nghị quyết của đại hội Đảng khóa tới.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
NGUYỄN KIỂM (ghi)