Nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Ảnh: Việt Anh.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội và TPHCM có chiều hướng gia tăng, có những thời điểm, chỉ số chất lượng môi trường không khí (ngưỡng giá trị AQI) đã lên đến mức xấu, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian ô nhiễm tập trung vào mùa đông, từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau.
Nhóm nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn, theo Bộ TNMT, nguồn ô nhiễm lớn nhất là từ hoạt động giao thông vận tải. Sau đó là các nguồn từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng, hoạt động đốt, sử dụng bếp than tổ ong. Ngoài ra yếu tố thời tiết, khí hậu cũng tác động không nhỏ đến chất lượng không khí, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Tại hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” mới đây, Bộ trưởng Bộ TNMT Đỗ Đức Duy cho biết, vấn đề quan trọng nhất hiện nay trong kiểm soát chất lượng không khí là cùng hành động, tổ chức thực thi các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó cần xác định các mục tiêu ưu tiên, giải pháp trọng tâm, tập trung nguồn lực để thực hiện. Đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành áp dụng quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn khí thải với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi giao thông xanh, giảm phát thải, tiến tới không phát thải, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng giao thông công cộng.
“Có thể nghiên cứu đề xuất các biện pháp kỹ thuật cần thiết như tăng cường phun sương hoặc rửa đường thí điểm, có thể dưới hình thức tự động, trong khung thời gian từ 0 giờ đêm đến 6 giờ sáng để xử lý tình huống trong thời gian xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng, báo động” - Bộ trưởng TNMT đề xuất.
Bộ trưởng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, tìm kiếm các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế ngay được tình trạng phát sinh bụi từ hoạt động giao thông và xây dựng. Đây được nhận định là nguồn phát thải bụi mịn lớn nhất hiện nay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nội, cho biết nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời cũng ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3. Trong đó, ô nhiễm bụi mịn được ghi nhận hầu hết các quận, huyện của thành phố, nhất là các quận nội thành, tập trung đông dân cư và hoạt động giao thông.
Theo ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch, ô nhiễm không khí đã nghiêm trọng đến mức người dân dùng từ mùa ô nhiễm thay cho mùa đông, nhất là miền Bắc. Ông Tùng cho rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế như hiện nay sẽ còn xuất hiện thêm nhiều nguồn thải mới, chất ô nhiễm mới như khí thải từ lò đốt rác phát điện.
“Ngay Hà Nội chúng ta có nhà máy đốt rác phát thải Thiên Ý với lượng khí thải khổng lồ, chúng ta sẽ kiểm soát như thế nào?”, ông Tùng đặt vấn đề và cho hay, vấn đề ô nhiễm không khí được nhận thức từ nhiều năm trước nhưng chất lượng không khí ngày càng suy giảm chứng tỏ các công cụ của chúng ta chưa hiệu quả.
Theo ông Lê Hoài Nam - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TNMT), công tác kiểm soát chất lượng không khí còn gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như nguồn lực (tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí) về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu, ít có chương trình nhiệm vụ cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí.
Trách nhiệm thực hiện quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư còn phân tán, thuộc nhiều ngành, lĩnh vực như Giao thông vận tải, Xây dựng, Công nghiệp, Nông nghiệp và UBND các địa phương.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Đại học Bách Khoa Hà Nội): "Chúng ta cần coi ô nhiễm không khí là vấn đề cấp bách, cần thành lập Ủy ban trực thuộc Chính phủ với sự tham gia của bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, xây dựng lộ trình ưu tiên thực hiện trong 3-5 năm tới với các mục tiêu và giải pháp ưu tiên".
Kim Huệ