Góc nhìn từ trên không của căn cứ hạt nhân ở Greenland. Ảnh: Quân đội Mỹ
Trong một phát hiện tình cờ đầy bất ngờ, các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) đã tái khám phá tàn tích của Trại Century, một căn cứ quân sự bí mật thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ, ẩn sâu dưới lớp băng giá bao phủ Greenland. Theo Wall Street Journal ngày 14/5, phát hiện này không chỉ hé lộ mức độ can dự sâu rộng và kéo dài của Washington tại hòn đảo Bắc Cực này mà còn gợi lại một dự án bí mật đầy tham vọng của Lầu Năm Góc mang tên Dự án Iceworm.
Vào mùa Xuân năm ngoái, khi thực hiện chuyến bay khảo sát trên Vòng Bắc Cực để thử nghiệm một hệ thống radar mới ở phía Bắc Greenland, nhóm nghiên cứu của NASA đã ghi nhận những dấu hiệu bất thường. Các thiết bị hiện đại của họ cho thấy sâu bên trong lớp băng dày đặc tồn tại một cụm công trình kiên cố, được kết nối với nhau bằng một mạng lưới đường hầm phức tạp, tựa như "một nền văn minh" đã ngủ yên dưới băng tuyết khắc nghiệt. Nhà khoa học Chad Greene của NASA, một thành viên của đoàn, chia sẻ: "Cảm giác như đang bay qua một hành tinh xa lạ, và thật khó hình dung bất kỳ ai hay bất cứ thứ gì có thể tồn tại ở nơi đó".
Tuy nhiên, những gì các nhà khoa học nhìn thấy trên màn hình không phải là dấu vết của một nền văn minh cổ đại mà chính là tàn tích của Trại Century, căn cứ quân sự bí mật được Mỹ xây dựng dưới lòng băng trong giai đoạn căng thẳng của Chiến tranh Lạnh. Căn cứ này là một phần của Dự án Iceworm, một kế hoạch bí mật và đầy tham vọng của Lầu Năm Góc nhằm xây dựng một mạng lưới các bãi phóng tên lửa hạt nhân di động bên dưới lớp băng Bắc Cực. Địa điểm ngầm này, được thiết kế để có khả năng chứa tới 600 tên lửa đạn đạo tầm trung, cho thấy mức độ can dự sâu sắc của Mỹ vào Greenland trong hơn nửa thế kỷ qua.
Trại Century được khởi công xây dựng vào năm 1959 và bị bỏ hoang vào năm 1967. Nguyên nhân được cho là do lớp băng được đánh giá là quá bất ổn để có thể hỗ trợ một mạng lưới phóng tên lửa quy mô lớn như dự kiến. Theo thời gian, băng tuyết tích tụ ngày càng dày, và hiện tại, căn cứ này đã bị chôn vùi dưới lớp băng dày ít nhất 30 mét. Trước chuyến bay gần đây của NASA, Trại Century được biết đến một cách hạn chế như một cơ sở nghiên cứu bề mặt. Tuy nhiên, mục đích quân sự thực sự của nó vẫn được giữ bí mật cho đến năm 1996. Nhà khoa học Greene và các đồng nghiệp đã ghi lại được những hình ảnh toàn cảnh đầu tiên về cấu trúc ngầm của trại vào tháng 4 năm ngoái.
Trại Century không chỉ là một di tích của những tính toán chiến lược thời Chiến tranh Lạnh mà còn là một lời nhắc nhở về sự hiện diện lâu dài và đôi khi gây tranh cãi của Mỹ trên lãnh thổ Greenland thuộc chủ quyền của Đan Mạch. Trong lịch sử, để duy trì chủ quyền đối với Greenland, Đan Mạch đã phải nhượng bộ một phần quyền kiểm soát an ninh cho Mỹ. Thậm chí, Tổng thống Donald Trump còn đi xa hơn khi chỉ trích Đan Mạch vì không bảo vệ được Greenland và từng đề xuất ý tưởng mua lại hòn đảo này nhân danh an ninh quốc gia Mỹ.
Bác sĩ Robert Weiss tại Trại Century vào đầu những năm 1960. Ảnh: Robert Weiss
Theo hiệp ước ký kết năm 1951 với Đan Mạch, Mỹ có quyền thiết lập các căn cứ quân sự ở Greenland nếu cần thiết. Các chính trị gia Đan Mạch đã công khai nhắc nhở Washington về điều này trong bối cảnh những căng thẳng gần đây. Các quan chức ở Greenland và Đan Mạch đã cố gắng cân bằng giữa việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trên đảo và việc phản đối mọi ý đồ tiếp quản toàn bộ vùng lãnh thổ này. Vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Mỹ duy trì tới 17 căn cứ ở Greenland, bao gồm cả Trại Century, với khoảng 10.000 quân đồn trú. Ngày nay, con số này đã giảm đáng kể, chỉ còn chưa đến 200 quân tại một căn cứ duy nhất là Căn cứ Không gian Pituffik, trước đây gọi là Căn cứ Không quân Thule.
Sự hiện diện của vũ khí hạt nhân Mỹ trong lịch sử luôn là một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với Đan Mạch. Vào thời điểm xây dựng Trại Century, quân đội Mỹ đã không tiết lộ mục đích liên quan đến hạt nhân của căn cứ này cho Đan Mạch, quốc gia tự tuyên bố là khu vực phi hạt nhân. Năm 1968, một vụ tai nạn máy bay ném bom B-52 mang theo vũ khí hạt nhân gần Căn cứ Không quân Thule đã gây ra sự cố rò rỉ và phân tán chất phóng xạ trên băng biển. Vụ việc này đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn ở Đan Mạch và phơi bày việc Mỹ đã bí mật lưu trữ vũ khí hạt nhân tại Thule mà không thông báo cho Copenhagen hay chính quyền Greenland.
Gần đây, những động thái của chính quyền Trump liên quan đến việc kiểm soát Greenland và các báo cáo về việc Mỹ tăng cường hoạt động do thám trên hòn đảo đã gây ra sự bất an cho người dân Greenland, khiến họ xích lại gần Đan Mạch hơn. Greenland, với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đã trở thành một yếu tố quan trọng trong các tính toán an ninh Bắc Cực của Mỹ kể từ Thế chiến II. Khi Đức chiếm đóng Đan Mạch vào năm 1940, Greenland vẫn là thuộc địa của Đan Mạch, và Mỹ lo ngại về việc Đức có thể sử dụng hòn đảo này làm căn cứ quân sự, đe dọa trực tiếp đến lãnh thổ Mỹ.
Năm 1941, đại diện của Đan Mạch tại Washington, D.C., bất chấp chỉ thị từ Copenhagen, đã ký một thỏa thuận chuyển giao trách nhiệm phòng thủ Greenland cho Mỹ và trao cho Washington quyền thiết lập các căn cứ trên đảo. Sau chiến tranh, Mỹ đã từ chối yêu cầu rút quân của Đan Mạch và thậm chí đề nghị mua lại Greenland với giá 100 triệu USD, nhưng đã bị Đan Mạch từ chối. Đến năm 1951, Quốc hội Đan Mạch đã phê chuẩn hiệp ước năm 1941, chính thức cho phép Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự trên đảo.
Ulrik Pram Gad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, nhận định: "Vào những năm 1940, Đan Mạch đã học được rằng nếu nói không với Mỹ, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hành động". Ông cho rằng chính quyền Trump đã khơi dậy nỗi sợ hãi ở Greenland rằng điều này vẫn còn đúng. Chuyên gia Gad nói thêm: "Đan Mạch đã được phép duy trì chủ quyền đối với Greenland bằng cách chuyển giao một phần chủ quyền đó - an ninh - cho Mỹ".
Lầu Năm Góc cũng từng công khai ca ngợi việc xây dựng Trại Century là một thành tựu kỹ thuật ấn tượng, nhưng mục đích thực sự của nó vẫn được giữ bí mật, ngay cả với nhiều người từng phục vụ tại đó. Robert Weiss, một bác sĩ trẻ tuổi vào năm 1962, người đã tạm dừng hoạt động nội trú tại Bệnh viện Bellevue ở New York để đến Trại Century, cho biết ông tin rằng căn cứ này chỉ là một trạm nghiên cứu khoa học cho đến khi các kế hoạch bí mật của Lầu Năm Góc được giải mật gần 30 năm sau. Ông thừa nhận rằng mình không quá quan tâm đến địa chính trị vào thời điểm đó, mặc dù nhận thức được vị trí chiến lược của căn cứ. Ông Weiss, người đã có hai đợt công tác ở phía Bắc Greenland, nói: "Chúng tôi nhận ra rằng điều đó rất quan trọng; rằng Nga có thể trỗi dậy mạnh mẽ ở Bắc Cực".
Cửa vào căn cứ hạt nhân của Mỹ ở Greenland. Ảnh: Robert Weiss
Với 21 đường hầm thông nhau trải dài gần 3,2 km, được đào trực tiếp vào lớp băng, căn cứ được cung cấp năng lượng bởi một lò phản ứng hạt nhân di động. Khu vực sinh hoạt, phòng tập thể dục, nhà vệ sinh, phòng thí nghiệm và nhà ăn có thể đảm bảo cho khoảng 200 quân nhân. Ông Weiss nhớ lại: "Khi tôi đến đó, tuyết đang rơi và nhiệt độ là âm 45 độ C". Do mùa Đông ở đây có rất ít ánh sáng ban ngày, ông thường xuyên ở dưới lòng đất trong nhiều tuần liên tiếp. Các hang động ngầm khá ấm áp, đồ ăn ngon và có bia dùng vào buổi tối. "Không khó để thích nghi với cuộc sống như vậy", ông Weiss nói.
Khí hậu khắc nghiệt cũng là chủ đề cho những câu chuyện hài hước của những người lính tại căn cứ. Ông Weiss kể: "Chúng tôi thường đùa rằng có một cô gái xinh đẹp sau mỗi cái cây. Tất nhiên, có một vấn đề là ở đó không có cây nào cả". Được biết, chỉ có một phụ nữ, một bác sĩ người Đan Mạch, từng đặt chân đến căn cứ này.
Phải mất 6 thập kỷ và thiết bị cực kỳ tinh vi để quy mô thực sự của Trại Century được hé lộ. Khi nhà khoa học Greene bay qua phía Bắc Greenland, nhóm của ông đã thử nghiệm một thiết bị radar có tên UAVSAR, có khả năng xuyên thấu lớp băng dày đặc, tương tự như sonar xuyên qua nước. Họ hy vọng có thể lập bản đồ đáy của các tảng băng ở Greenland và Nam Cực, nơi các sông băng nằm trên nền đá lục địa sâu hàng km dưới bề mặt băng, để dự đoán mực nước biển sẽ dâng cao bao nhiêu và với tốc độ như thế nào. Chuyên gia Greene cho biết việc phát hiện ra Trại Century hoàn toàn là một sự tình cờ, nhưng lại là một khoảnh khắc phấn khích tột độ. Ông chia sẻ: "Bạn có thể hình dung về các tòa nhà và đường hầm kết nối với nhau như thế nào, cách mọi người di chuyển trong cuộc sống hàng ngày và nghĩ xem việc đóng quân ở đó hẳn là một trải nghiệm khắc nghiệt đến nhường nào".
Công Thuận/Báo Tin tức và Dân tộc