Khu vực bãi Chính của vịnh Vũng Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa (Phú Yên) ngập tràn rác thải nhựa. (Ảnh: TTXVN)
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó có từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn bị thải ra biển; chỉ có 27% số rác thải nhựa được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, tác hại của túi ni-lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần (chai nhựa, cốc nhựa, ống hút, hộp xốp...) đã được cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, tình trạng người dân “vô tư” sử dụng sản phẩm này và thiếu ý thức trong phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn vẫn còn diễn ra rất phổ biến.
Theo Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, mỗi năm, người Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi ni-lông, trung bình mỗi ngày một gia đình dùng khoảng 4 túi ni-lông. Từ thành phố đến vùng nông thôn, từ rừng núi cho đến đại dương, ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành một “bóng ma” hiện hữu, làm thay đổi môi trường sống và các quá trình tự nhiên, làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của hệ sinh thái, đe dọa trực tiếp đến sinh kế, sức khỏe cộng đồng.
Trong bối cảnh đó, việc sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm này như một công cụ để giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, đang được nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre). (Ảnh: Quochoi.vn)
Thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) chỉ ra, hiện nay, mỗi ngày một bà nội trợ đi chợ ít nhất mang về 10 bao ni-lông. Với công nghệ xử lý rác thải hiện nay chủ yếu là chôn lấp thì 100 năm mới phân hủy được các loại bao ni-lông này.
Về phía các địa phương cũng đang phải đối mặt với vấn nạn xử lý chất thải rắn, trong đó có bao bì nhựa, phải cấp bù ngân sách cho các dịch vụ xử lý rác trong khi phí thu được từ người xử lý rác thì không đủ bù cho chi phí này. Điều này theo đại biểu đi ngược lại với quan điểm xây dựng pháp luật bảo vệ môi trường, đó là người gây ô nhiễm phải trả tiền. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị mở rộng cơ sở thuế và áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm bao bì nhựa khó phân hủy.
“Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bao bì nhựa vừa tiết kiệm được ngân sách, vừa điều chỉnh được hành vi tiêu dùng, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Quochoi.vn)
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung túi ni-lông vào diện đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đại biểu, năm 2025 là mốc thời gian chúng ta phải hoàn thành một số mục tiêu trong loạt các nghị quyết, nghị định, quyết định mà Trung ương Đảng, Chính phủ đã đề xuất để thực hiện các cam kết về môi trường. Theo đó đến năm 2025, đặt mục tiêu giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển trên toàn quốc; 80% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa…
Đại biểu nêu rõ, thực tế thời gian qua, mặc dù trên các phương tiện truyền thông đã đưa tin rất nhiều về các tác hại của túi ni-lông đối với môi trường cũng như sức khỏe của con người. Tuy nhiên, việc dùng túi ni-lông vẫn còn phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và nguy hại đến sức khỏe của người dân.
Do đó, ngoài những biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân giảm việc sử dụng túi ni-lông thay thế bằng những sản phẩm khác thân thiện với môi trường thì biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này mục đích là để dần thay đổi thói quen sử dụng của người dân, góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường.
“Nếu không có các chế tài đủ mạnh, chúng ta cũng sẽ khó thực hiện các cam kết về môi trường đã đề ra. Do đó, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc để bổ sung đối tượng trên vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”, đại biểu đề xuất.
Nhấn mạnh cần phải phân tích, đánh giá về giá trị của những sản phẩm ni-lông đem lại với giá trị chúng ta phải xử lý, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường là rất lớn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) đề nghị ngoài việc đưa vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì tiến tới nên ngừng sản xuất đối với mặt hàng túi ni-lông, có quy định lộ trình để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương. (Ảnh: BÙI GIANG)
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Hải Dương, Việt Nam đang phải đối mặt với ô nhiễm nghiêm trọng do rác thải nhựa. Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm này cũng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào những sản phẩm thân thiện với môi trường, thay đổi hành vi tiêu dùng và phù hợp với xu hướng quốc tế.
Tuy nhiên, để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này, đại biểu cho rằng cần xây dựng một lộ trình hợp lý để doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi và người dân thích ứng với sự thay đổi hành vi sử dụng.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định rõ: Từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi ni-lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm. Từ ngày 1/1/2031, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni-lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
THU HẰNG