Cần đổi mới, sáng tạo trong hoạt động truyền thông để nâng cao hiệu quả phòng, chống tác hại thuốc lá

Cần đổi mới, sáng tạo trong hoạt động truyền thông để nâng cao hiệu quả phòng, chống tác hại thuốc lá
7 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Theo dự thảo Kế hoạch, giai đoạn 2025-2030, Quỹ PCTHTL sẽ tập trung thực hiện Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, với nội dung "cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025".
Bác sĩ Phan Thị Hải (giữa)- Phó Giám đốc Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế)
Mục tiêu truyền thông nhằm ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.
Cụ thể, Quỹ PCTHTL tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội... để nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các sản phẩm thuốc lá mới cho cộng đồng, đặc biệt là thanh thiếu niên;
Nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật liên quan đến quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các quy định về kiểm tra, xử phạt.
Quỹ PCTHTL đồng thời huy động, tăng cường sự tham gia của các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và những người có uy tín trong cộng đồng, nhà trường, gia đình... trong việc tuyên truyền ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các sản phẩm thuốc lá mới khác.
Bác sĩ Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) cho biết, công tác truyền thông về PCTHTL sẽ được thay đổi để phù hợp tình hình mới. Theo đó, hoạt động truyền thông sẽ hướng đến đối tượng chính là thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó là lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và người có uy tín trong cộng đồng để tham gia truyền thông về tác hại của thuốc lá mới.
“Mỗi đối tượng truyền thông sẽ có thông tin tiếp cận phù hợp, để tạo sự đồng lòng trong việc ngăn ngừa thuốc lá mới”, bà Hải chia sẻ.
GS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, nhấn mạnh thuốc lá đang là vấn nạn y tế công cộng và gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra nhiều hơn cả đại dịch COVID-19: Số người tử vong do thuốc lá mỗi năm ở Việt Nam cao hơn nhiều so với cả đại dịch COVID-19. Tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới tăng cao, đặc biệt là ở giới nữ.
Theo GS Minh, việc Quốc hội ra Nghị quyết cấm toàn bộ thuốc lá mới rất quan trọng, do đó cần đổi mới, sáng tạo trong hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá mới trong cộng đồng.
BS Nguyễn Lâm, Văn phòng WHO tại Việt Nam, bày tỏ việc Quốc hội thông qua việc cấm thuốc lá mới ở Việt Nam là một bước đi quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em. Kế hoạch truyền thông của Bộ Y tế cần làm tốt hơn, rõ hơn với cả thuốc lá mới và thuốc lá thông thường, chuyển tải được hiệu quả các thông điệp khác nhau và cần thiết. Một trong các nội dung quan trọng tới đây ngoài phòng, chống thuốc lá mới còn là ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điếu, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhân dịp này, Quỹ PCTHTL phối hợp Tổ chức Y tế Cộng đồng Toàn cầu Vital Strategies đã trao thưởng các cá nhân, nhà báo có đóng góp xuất sắc trong công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2024.
PV
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/can-doi-moi-sang-tao-trong-hoat-dong-truyen-thong-de-nang-cao-hieu-qua-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-20241220220301215.htm