Bởi dù mô hình tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương (CQĐP) thế nào cũng phải xuất phát từ cơ sở chính trị của Nhà nước và cơ sở thực tiễn khoa học. Mục tiêu cao nhất là chất lượng phục vụ nhân dân.
Chủ trương sửa đổi Luật TCCQĐP 2015 nhằm đáp ứng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới; tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế... đang thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân.
Dư luận chung và các chuyên gia hành chính công rất đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Luật TCCQĐP để bảo đảm thể chế kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tổ chức bộ máy; đáp ứng yêu cầu cải cách nền hành chính quốc gia; tạo ra cơ hội chuyển từ mô hình quản lý công truyền thống sang quản lý công mới (hành chính phát triển) và Chính phủ điện tử, Chính phủ số, phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế; làm cho bộ máy nhà nước tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại, hướng đến mục tiêu cao nhất là chất lượng phục vụ nhân dân; bảo vệ, phát huy các giá trị của nền dân chủ, pháp quyền.
Nhiều điểm mới, tiến bộ, có tính đột phá
Sau nhiều lần tiếp thu góp ý, bổ sung, chỉnh lý, kế thừa các quy định còn hợp lý của Luật TCCQĐP 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), dự thảo Luật TCCQĐP 2025 dự kiến trình Quốc hội Khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín gồm 7 chương với 46 điều, giảm 1 chương và 97 điều. Nhiều điều luật trùng lặp với các luật chuyên ngành ra đời sau khi Luật TCCQĐP 2015 ban hành và các điều luật bất cập trong quá trình thực thi đều được rà soát sửa đổi, bãi bỏ.
Dự thảo Luật TCCQĐP 2025 có nhiều điểm mới tiến bộ, bổ sung những nguyên tắc có tính đột phá như: nguyên tắc tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; nguyên tắc quản trị địa phương hiện đại, minh bạch, bảo đảm trách nhiệm giải trình; nguyên tắc TCCQĐP tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, dự thảo bổ sung cụ thể các quy định để thực thi nguyên tắc tổ chức và hoạt động về CQĐP, cấp CQĐP phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, nơi không tổ chức đầy đủ cấp CQĐP, bảo đảm phù hợp với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính mới ở các cấp.
Dự thảo Luật TCCQĐP 2025 cũng quy định rõ về thẩm quyền, phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương đi đôi trách nhiệm, nguồn lực, với phương châm “địa phương quyết định, địa phương thực hiện và địa phương chịu trách nhiệm”; quy định UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng hành chính.
Cử tri xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc kiến nghị những vấn đề quốc kế dân sinh với đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 17.11.2024. Ảnh: Vân Hậu
Về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, dự thảo quy định bổ sung chức danh Ủy viên chuyên trách của các Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện nhằm có cơ sở tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở tỉnh, huyện; bỏ chức danh Ủy viên UBND. Về quyền hạn, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có thẩm quyền quyết định chính sách trong phạm vi Luật định. UBND thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành cơ chế khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố. Việc cơ quan Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện được giao thẩm quyền quyết định những vấn đề mang tính cấp bách giữa 2 kỳ họp thường lệ của HĐND là đúng đắn. Dự thảo cũng bổ sung các quy định để tăng cường tính tự quản của CQĐP ở xã.
Có thể thấy, dự thảo luật lần này ngắn gọn nhưng mức độ và phạm vi điều chỉnh vẫn bao quát khá đầy đủ về tổ chức và hoạt động của TCCQĐP, dễ hiểu, dễ áp dụng. Những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của CQĐP đều đã có quy định trong các luật chuyên ngành.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra
Dù mô hình tổ chức, hoạt động của CQĐP thế nào cũng phải xuất phát từ cơ sở chính trị của Nhà nước và cơ sở thực tiễn khoa học. Hiến pháp nước ta thiết lập chế độ chính trị dân chủ cộng hòa với nguyên tắc cơ bản theo tư tưởng Hồ Chí Minh: chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương đều do dân cử ra, thể hiện xuyên suốt trong Sắc lệnh đầu tiên về TCCQĐP số 63SL (ngày 22.11.1945) và số 77SL (ngày 21.12.1945) và trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và 2013; khẳng định HĐND, UBND (kể cả UBND do cấp trên bổ nhiệm và các cơ quan chuyên môn bên trong của UBND) đều do dân trực tiếp hoặc gián tiếp cử ra. Từ đó, xin góp ý mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, dự thảo quy định “UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng hành chính”, đồng nghĩa Chủ tịch UBND có toàn quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm cá nhân về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND. Đây là vấn đề mới, hệ trọng.
Thiết nghĩ, Nhà nước đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng nguyên tắc phân quyền ở đây là nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước theo cấp lãnh thổ. Theo đó, Nhà nước chuyển giao bằng luật cho CQĐP những quyền hạn độc lập và toàn vẹn (bao gồm cả phương tiện vật chất, tài chính, nhân sự) để tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp, ủy quyền. Quyền tự chủ của địa phương được thực hiện thông qua cấp CQĐP; tức là thông qua tập thể HĐND hoặc UBND chứ không phân quyền cho chức vụ cá nhân như ở một số nước thực hiện chế độ tập quyền có phân chia trách nhiệm hay tản quyền kết hợp phân quyền. Chủ tịch UBND không nên là thủ trưởng hành chính như chức vụ thị trưởng, tỉnh trưởng.
CQĐP nước ta tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nguyên tắc này là kim chỉ nam cho chế độ, cách làm việc hiệu quả của HĐND và UBND. Vì vậy, cần thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng khi quy định UBND làm việc theo chế độ thủ trưởng hành chính. Bài học đắt giá thời gian qua là việc hàng loạt cán bộ chủ chốt, đứng đầu CQĐP bị kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật đều có điểm chung rất nguy hiểm, đó là coi thường cách làm việc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc sống còn của Nhà nước ta.
Thứ hai, theo thứ bậc hành chính, dự thảo luật quy định Chủ tịch UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp, trước pháp luật; không quy định chịu trách nhiệm trước HĐND. Như vậy có mâu thuẫn với quy định UBND là cơ quan chấp hành của HĐND - cơ quan bầu ra mình và có thực hiện trách nhiệm giải trình trước HĐND hay không?
Thứ ba, theo dự thảo, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện mới có quyền quyết định kế hoạch phát triển KT-XH cấp mình; còn HĐND cấp xã chỉ có quyền quyết định biện pháp phát triển KT-XH. Trong khi đó, cấp CQĐP xã, thị trấn muốn thực hiện chức năng, nội dung quản lý nhà nước cấp mình về phát triển KT - XH thì tất yếu phải lập và quyết định kế hoạch; hoặc được cơ quan nhà nước cấp trên giao chỉ tiêu kế hoạch mới đủ cơ sở đề ra biện pháp thực hiện.
Thứ tư, đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri được coi là hình thức thể hiện sinh động nhất giá trị cốt lõi của nền dân chủ; của cơ chế phát huy quyền dân chủ, quyền giám sát, quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội của Nhân dân; đồng thời, là công cụ, thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của người đại biểu, nhưng dự thảo luật quy định rất chung. Trong khi chưa có luật chuyên ngành như Luật Tiếp công dân; đề nghị dự thảo dành thời lượng phù hợp để luật hóa không chỉ số lần đại biểu phải TXCT mà còn lượng hóa việc thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri sau mỗi lần tiếp xúc.
Thứ năm, dự thảo quy định kết quả bầu các chức danh của HĐND và UBND phải được cấp thẩm quyền phê chuẩn trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả bầu; nhưng luật cũng quy định người giữ chức vụ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi được HĐND bầu, như vậy có mâu thuẫn hay không?