Cần gần 7.600 tỷ đồng phát triển cảng biển Bình Định đến năm 2030

Cần gần 7.600 tỷ đồng phát triển cảng biển Bình Định đến năm 2030
8 giờ trướcBài gốc
Quy hoạch 8 bến cảng với khoảng 16 - 18 cầu cảng
Theo quy hoạch, hệ thống cảng biển Bình Định bao gồm các khu bến: Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa; Nhơn Hội; bến cảng Phù Mỹ (gồm các bến tại huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn), cùng với các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.
Tới năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Bình Định khoảng 7.590 tỷ đồng (Ảnh: CQN).
Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Bình Định sẽ đáp ứng khối lượng hàng hóa thông qua từ 17,65 - 18,75 triệu tấn, trong đó hàng container đạt từ 0,32 - 0,37 triệu TEU, lượng hành khách từ 150.000 - 200.000 lượt khách.
Khu vực sẽ có 8 bến cảng, gồm từ 16 - 18 cầu cảng với tổng chiều dài từ 3.598 - 4.026m. Việc xác định phạm vi vùng đất, vùng nước được thực hiện phù hợp với quy mô bến cảng và nhu cầu vận chuyển hàng hóa.
Tầm nhìn đến năm 2050, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng hóa thông qua cảng biển Bình Định được xác định khoảng 4,5 - 5,5% mỗi năm.
Một trong những trọng tâm của hệ thống là khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa. Quy hoạch định hướng khu bến này sẽ xử lý lượng hàng hóa từ 15,25 - 15,75 triệu tấn. Khu bến bao gồm 5 bến cảng, với từ 11 - 13 cầu cảng.
Trong đó, bến cảng Quy Nhơn có từ 5 - 7 cầu cảng tổng hợp, container, tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 tấn. Bến cảng Tân Cảng Quy Nhơn có 1 cầu cảng tổng hợp, container dài 200m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện.
Bến cảng Thị Nại được quy hoạch với 2 cầu cảng tổng hợp, tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 tấn. Bến cảng Đống Đa có 2 cầu cảng hàng lỏng/khí với tổng chiều dài 400m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 10.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Khu bến còn có bến cảng quân sự Quy Nhơn với 1 cầu cảng tổng hợp, container, tiếp nhận tàu trọng tải đến 15.000 tấn.
Tại khu bến Nhơn Hội, quy hoạch định hướng sẽ có 3 bến cảng gồm 5 cầu cảng, phục vụ lượng hàng hóa từ 2,4 - 3 triệu tấn và lượng hành khách từ 150.000 - 200.000 lượt.
Đặc biệt, quy hoạch còn định hướng phát triển khu bến cảng Phù Mỹ (gồm các bến cảng tại huyện Phù Mỹ và thị xã Hoài Nhơn) nhằm phục vụ khu kinh tế, công nghiệp (năng lượng, luyện kim), đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và năng lực của nhà đầu tư.
Đầu tư luồng Quy Nhơn cho tàu lớn 50.000 tấn
Phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là một trong những nội dung trọng điểm tại cảng biển Bình Định. Kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng được định hướng phát triển đồng bộ với hạ tầng bến cảng. Tuy nhiên, lộ trình đầu tư sẽ tùy thuộc vào khả năng bố trí và huy động nguồn lực.
Theo đó, trọng tâm đầu tư là luồng Quy Nhơn cho tàu 50.000 tấn vào bến cảng Quy Nhơn mở rộng, luồng ra vào bến cảng Đống Đa cho tàu 10.000 tấn, và luồng Nhơn Hội cho tàu từ 30.000 - 50.000 tấn.
Trường hợp có thể huy động nguồn lực xã hội hóa, cho phép đầu tư luồng hàng hải phù hợp với quy mô bến cảng theo quy hoạch.
Các hạng mục kết cấu hạ tầng phục vụ bảo đảm an toàn hàng hải như khu neo đậu tránh, trú bão, bến công vụ, cơ sở vật chất phục vụ quản lý nhà nước chuyên ngành cũng được ưu tiên đầu tư, bên cạnh các bến cảng tại khu bến Quy Nhơn và Phù Mỹ.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển Bình Định đến năm 2030 được ước tính khoảng 7.590 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 1.250 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 6.340 tỷ đồng (chỉ tính các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Hoàng Anh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/can-gan-7600-ty-dong-phat-trien-cang-bien-binh-dinh-den-nam-2030-192250705101411521.htm