Cần giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo

Cần giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo
3 giờ trướcBài gốc
ĐBQH Trần Văn Thức phát biểu tại hội trường sáng 20.11
Theo ĐBQH Trần Văn Thức, việc ban hành Luật Nhà giáolàthể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò đội ngũ của nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo. Bởi,thực trạng hệ thống pháp luật hiện nay, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đang chịu sự điều chỉnh của 6 luật gồm Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Bộ luật Lao động; Luật Giáo dục; Luật Giáo dục nghề nghiệp; Luật Giáo dục đại học. Tuy nhiên, nội dung về quản lý nhà giáo giữa các luật chưa thực sự đầy đủ và đồng bộ. Mặt khác, một số bất cập phát sinh trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay và việc kiến tạo các chính sách phát triển đột phá cho sự phát triển, nâng tầm nhà giáo về mặt lý luận cũng như thực tiễn không thể quy định trong các luật hiện hành nêu trên.
So với quy định hiện hành tại các các luật có liên quan, dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều quy định mới, trong đó ĐBQH Trần Văn Thức quan tâm đến thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Theo đại biểu, từ thực tiễn kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục cho thấy, thực trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là đối với giáo viên Tiểu học, THCS thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ngày càng trầm trọng. Trong đó, một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Cụ thể, việc tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập hiện nay được thực hiện theo quy định chung về tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, quy định chung về tuyển dụng viên chức chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp đặc thù của nhà giáo. Ví dụ, việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các yếu tố đặc thù của nhà giáo …
Bên cạnh đó, việc phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì ở hầu hết các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở và Phòng Giáo dục - Đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không thể chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn. Hệ quả của vấn đề này được thể hiện rõ trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà UBTVQH đã tổ chức giám sát: địa phương không thể tuyển được giáo viên, không thể tổ chức dạy một số môn học…
Do vậy, ĐBQH Trần Văn Thức đồng tình và thống nhất cao với việc dự thảo Luật giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo.
“Đây chính là quy định rất quan trọng có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn nhất và ngày càng trầm trọng về thừa - thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương, trong đó có Thanh Hóa” - đại biểu Thức nhấn mạnh.
Quan tâm đến vấn đề về chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi cho đội ngũ nhà giáo, ĐBQH Trần Văn Thức nêu thực tiễn: mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo (đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông) hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn. Lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để bảo đảm mức sống, nhất là những giáo viên trẻ, mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố. Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình sách giáo khoa mới.
Thực tế theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, lương của nhà giáo “được ưu tiên xếp cao nhất”. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm nghị quyết này vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn, không thể đi vào đời sống khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo.
Dự thảo Luật với những quy định về chính sách tiền lương, đãi ngộ nhà giáo tại Chương V đã cho thấy rõ việc luật hóa những chủ trương của Đảng trong việc quan tâm đối với đội ngũ nhà giáo; nội dung các chính sách được quy định một cách cụ thể bảo đảm sự tương xứng với vị thế của nhà giáo trong xã hội. Đặc biệt, quy định rõ: lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng...
Những nội dung mới, cụ thể về chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo tại dự thảo Luật đang nhận được sự quan tâm, đồng tình rất lớn của cử tri và dư luận xã hội, Chính phủ cũng đã có báo cáo đánh giá tác động một cách rất cụ thể, khách quan đối với các chính sách này. “Tôi mong muốn và đề nghị Quốc hội, các ĐBQH xem xét đồng tình ủng hộ để chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo tại dự thảo Luật sớm đi vào cuộc sống” - ĐBQH Trần Văn Thức nhấn mạnh
Đào Cảnh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/can-giao-quyen-chu-dong-cho-nganh-giao-duc-trong-tuyen-dung-su-dung-nha-giao-post396887.html