Sáng 9-5, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ công đoàn về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn 2024, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - chủ trì.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Văn Duẩn
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết Luật Công đoàn 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào ngày 27-11-2024. Việc tổ chức hội nghị này để đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp tinh, gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Việc xem xét sửa đổi Luật Công đoàn 2024 gắn với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Luật Thanh Niên, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, tức là 1 luật sửa đổi 4 luật.
Ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh việc sửa đổi luật lần này tập trung vào những nội dung liên quan đến tinh, gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Theo yêu cầu của Đảng, Đảng ủy MTTQ Việt Nam đã xây dựng đề án về sắp xếp tinh gọn tổ chức cơ quan MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết việc tinh gọn trong mối quan hệ giữa cơ quan Mặt trận Tổ quốc với tổ chức Công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội; bỏ cấp huyện; kết thúc hoạt động của Công đoàn Viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang là những nội dung chính phải xem xét trong sửa đổi Luật Công đoàn lần này.
Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Văn Duẩn
Ông Hiểu mong muốn các chuyên gia, cán bộ công đoàn đóng góp ý kiến về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn năm 2024, với mục tiêu là tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy được vai trò của Công đoàn sau khi tinh gọn tổ chức, bộ máy.
Thảo luận tại hội nghị, nhiều đại biểu nhìn nhận trong bối cảnh yêu cầu tinh, gọn bộ máy, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, việc sửa đổi Luật Công đoàn năm 2024 là cần thiết.
Các đại biểu đề nghị xác định vị trí, mối quan hệ giữa tổ chức Công đoàn với MTTQ Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 60 của Trung ương và các văn bản, kết luận, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, để làm sao sau khi tinh gọn tổ chức, bộ máy, phát huy được vai trò của Công đoàn trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Trong quá trình mà sắp xếp tổ, chức bộ máy thì cũng quan tâm đến tính đặc thù của tổ chức Công đoàn, trong đó lưu ý đặc thù cả về chức năng, nhiệm vụ cũng như về mối quan hệ quốc tế về Công đoàn. Thực tế cho thấy tổ chức Công đoàn, ngoài việc chịu sự điều chỉnh bởi các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thì Điều lệ tổ chức Công đoàn còn liên quan đến các điều ước và các Công ước quốc tế.
Khi sửa luật cần phải thiết kế chức năng, nhiệm vụ, kể cả tổ chức bộ máy, một cách khoa học, phù hợp, để sau khi tổ chức, bộ máy mới đi vào hoạt động thì Công đoàn tiếp tục phát huy vai trò. Đặc biệt, phải hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần hơn với đoàn viên, người lao động và phải kịp thời chăm lo cho đoàn viên và người lao động, phải giữ chân được những cán bộ công đoàn có năng lực, trình độ.
Đặc thù về tài chính Công đoàn
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho rằng tài chính Công đoàn có đặc thù riêng, không giống các tổ chức khác, bởi cấu thành tài chính của tổ chức công đoàn có đóng góp trực tiếp của đoàn viên, người lao động. Vì vậy, nên thiết kế chính sách đặc thù về tài chính Công đoàn, quy định rõ trong sửa đổi Luật Công đoàn năm 2024 và các luật liên quan, làm sao để bảo đảm sự chủ động, độc lập của Công đoàn trong việc chi tiêu để kịp thời chăm lo cho đoàn viên, người lao động dưới sự giám sát của chính đoàn viên, người lao động.
Văn Duẩn