Căn hầm sau vườn nhà ngoại

Căn hầm sau vườn nhà ngoại
20 giờ trướcBài gốc
Minh họa: Phan Nhân
Nhận được tin bà ngoại mất, tôi lật đật thu xếp công việc chạy ra đón xe về liền. Cả đêm trên chuyến xe từ Sài Gòn về quê, kì lạ là chẳng có cảm giác say xe đến hoa mắt chóng mặt như mọi lần. Có lẽ tâm trí không có chỗ cho những phiền toái vặt vãnh dọc đường đời. Chính xác chứ không phải có lẽ. Vì từ lúc được tin ngoại đã về miền mây trắng, đầu óc tôi không có bất cứ một ý niệm nào khác ngoài khuôn mặt hiền từ, chồng chéo những nếp nhăn của ngoại.
Và giờ, tôi đang nhìn lần cuối khuôn mặt của người mà hồi nhỏ tôi vẫn gọi “mẹ ngoại” qua tấm kính. Lần trước ngoại vào phố trị bệnh, tôi lo lắng chạy vô thăm, ngoại dặn, mai mốt đủ tuổi trời ngoại đi, nhớ đừng khóc. Nhân gian tỉ tỉ người, có bao người chạm đến tuổi trăm như ngoại đâu mà khóc. Những lời của ngoại vang lên trong tâm trí, khóe mắt cay, tôi chơm chớp để ngăn giọt nước lại. Nhưng vẫn không cầm được, một giọt nước ở đâu đó đã lăn trên má. Tôi để yên chứ không đưa tay quẹt.
Tất cả mọi người có mặt lúc đó đều trang nghiêm rúng động khi một bác trong Hội Người cao tuổi của xã đọc điếu văn tiễn ngoại - Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Điếu văn như cuốn phim ghi nhanh những việc làm tốt đẹp của ngoại khi còn tại thế.
***
Khi bà ngoại sinh cậu Út được mấy ngày thì ông ngoại bị giết. Ông là thầy giáo làng, dạy học dưới trời bom đạn. Bà ngoại chỉ biết chồng làm nghề dạy học. Nhưng không hiểu sao có một ngày ông bị Tây bắt đem vào tận núi giáp ranh tỉnh bạn, bắn và chôn tập thể. Bà ngoại đau đớn và không hết bàng hoàng khi biết tin ông ngoại bí mật hoạt động cách mạng. Chồng vội về trời giữa lúc cảnh nhà nheo nhóc mà đất nước vẫn chìm trong khói lửa tứ phương. Bà ngoại cáng đáng một bầy con, tuy không thể ăn học đến nơi đến chốn thì cũng không người con nào của ngoại mù chữ hay phải ăn nhờ ở đậu, cạy cửa xin cơm, cắp nảy nhà ai. Bà ngoại tính ít nói, quãng đời nhọc nhằn đùm bọc của mấy mẹ con chỉ nghe dì Hai và mẹ kể lại chứ ngoại thì không đời nào hé răng. Nếu khen giỏi giang, ngoại sẽ bảo đàn bà thời chiến, mỗi người khổ một kiểu chứ riêng gì mình…
Mẹ tôi là con kề út, lại lầy chồng gần nên từ nhỏ, chị em tôi được ngoại ẵm bồng, cho ăn, ru ngủ… Tôi là đứa con út ét, sinh ra sau giải phóng mấy năm. Đận đó ba mẹ bận vào tận trong rừng, cùng khai phá vùng đất hoang cận rừng để lập thôn Tân Đạo nên đem tôi gửi hẳn nhà ngoại. Ở với ngoại sướng quá trời, chỉ việc chơi, ăn, ngủ và được dỗ dành nên đứa trẻ mê chơi phàm ăn như tôi khoái chí tử. Nhà ngoại ở giữa cánh đồng, nguyên khu đất cao đó chỉ mỗi nhà ngoại nên vườn tược rộng rinh. Tôi mê tít khu vườn thiên đàng đó của ngoại. Trên khu vườn mấy sào đất ruộng đó, ngoài hai cây dừa và một cây ổi, bà trồng thay phiên mì, khoai, bắp, mấy hàng dưa leo. Tôi lẩn quẩn ngoài đó cả ngày, nhiều đến nỗi còn làm cái nhà chòi dưới gốc ổi mát rượi rười rươi tính định cư luôn. Chơi với những cọng cỏ, có khi tôi vò nát những chiếc lá đưa lên mũi để ngửi cái mùi thơm rất lạ mà cũng rất quen của cây lá quanh mình. Rau trái vườn nhà, ngoại cũng đem ra chợ nhưng luôn ưu tiên cho con cháu ăn thoải mái. Nếu có đem ra chợ cũng cái kiểu vừa bán vừa cho - cây nhà lá vườn bán vui chứ nhiều nhõi gì - ngoại nói. Luôn như vậy, ngoại hiền lành, xởi lởi với người, rộng rãi với đời. Gắn bó nhiều, thuộc mặt từng cọng cỏ, chiếc lá vườn nhà ngoại nhưng mãi đến khi thành thiếu nữ, tôi mới biết khu vườn ấy từng có tới hai chiếc hầm, ngoại che giấu cán bộ.
Lại nói, sau khi ông ngoại mất thì cậu Ba tôi cũng hy sinh trong một trận ném bom trong rừng. Tang chồng tang, đau tới chết đi sống lại nhưng rất ngoan cường, dì Hai kể, bà ngoại đào hầm che giấu tất cả bốn cán bộ. Mỗi hầm trú hai người, chừa lỗ thông gió kín đáo cỡ bằng ngón chân cái. Ý thức đó là việc làm nguy hiểm đến mất mạng, ngoại thân đàn bà lấm lem bùn đất, chỉ lo miếng cơm tấm áo cho con nên gần như vô sự với thời cuộc, vận mệnh nước nhà như nhiều người nhỏ bé khốn khổ khác, nhưng khi biết chồng bị sát hại vì bí mật làm cách mạng, nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi lại nhận được giấy báo tử từ người con ở chiến trường thì trong lòng ngoại dâng lên ý nghĩ, chồng và con đều vì nghĩa lớn mà bị giết. Bây giờ, những người cán bộ về làng cũng trong tình cảnh đối mặt mỗi ngày với cái chết, họ có chung lí tưởng với chồng con, lại đang gặp nguy hiểm, mình sao làm ngơ được, vậy là có hai chiếc hầm sau vườn đã xuất hiện và tồn tại trong bí mật trời không biết đất không hay. Bà ngoại từng kể với mẹ, để bảo đảm an toàn cho hai chiếc hầm đó, phía trên ngoại trồng mì, gieo bắp, chất cây lá để ngụy trang một cách tinh tế. Hầm ngoại làm chắc chỉ có người mang con mắt thần mới mong tìm thấy.
Có một lần, bà ngoại đã cận kề gang tấc với cái chết khi bị giặc bắt vì lí do có người báo tin ngoại đào hầm che giấu cán bộ. Hai người lính của phe kia đến nhà lục tung từng cái chén, ra vườn nhìn sắc lẻm từng tấc đất, sục sạo, xăm nát khu vườn nhưng không tìm ra bất cứ dấu vết nào. Vẫn không cam tâm tha bổng vì sợ mắc lận, sợ mình bị qua mặt nên bà ngoại bị hỏi cung, tra tấn thô bạo. Bị đánh, đến chảy máu miệng, xịt máu mũi nhưng ngoại vẫn kiên cường một cách bình thản nói không. Vậy còn chuyện chồng con cùng làm cách mạng thì sao? Tại sao làm vợ, làm mẹ lại không chịu khai báo? Ngoại nói một cách bình thản và bất lực kiểu nữ nhi xưa nay an phận thường tình, không biết gì chuyện chiến đấu phe nọ phe kia. Khổ thay, đàn bà lo chửa đẻ, ẵm con nấu cơm, chồng con làm gì đều bí mật nên không hay biết cơ sự. Khổ nhục kế đã có tín hiệu tốt. Đánh, tra nhiều lần nhưng nỗi đau thể xác vẫn không đánh gục được ý chí của người phụ nữ dáng dấp nhỏ bé, nhiều lần vẫn thống nhất lời khai, không có thông tin gì khác những điều đã nói nên ngoại được thả về. Kể chuyện đó và rưng rưng, ngoại nói tính ra mình cũng may vì những người lính đó có tra gạn đánh đập nhưng không đến nỗi tàn tệ róc da xẻ thịt, ngoại chỉ bị thương phần thịt. Đặc biệt khi ngoại chảy nước mắt nói bỏ bầy con nheo nhóc đói khát ở nhà thì người lính đó cũng bớt hung tàn và rất nhanh sau đó đã thả về. Hồi đó, tôi trách mẹ sao giờ mới kể chuyện, mẹ nói tưởng hồi nhỏ cứ quanh quẩn ngoài khu vườn đó chắc bà ngoại đã kể rồi, với lại chiến tranh là nỗi đau, giờ qua rồi thì vui mừng vì con cái được hít thở không khí trong lành, thơm mùi hoa lá chứ không khét lẹt khói súng đạn như ngày xưa nên mẹ cũng muốn im lặng cho quá khứ ngủ yên. Với lại, nhiều khi những việc làm thiêng liêng cao cả nhưng bạ đâu kể đó nó lại hóa tầm thường.
***
Lúc làm lễ truy điệu, cậu Tư tôi, người con thứ của ngoại trang trọng bê chiếc khung xinh đẹp bên trong lồng bằng khen Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và cậu Út bê di ảnh ngoại đứng song song. Lúc một người hô lớn “Giờ di quan chuẩn bị bắt đầu” thì mọi người nhìn thấy từ ngoài quốc lộ có một chiếc taxi từ từ dừng lại. Cửa xe mở, có hai người đàn ông mái đầu đã dợm trắng bước qua chiếc cầu bắc ngang mương lớn rồi sấp sải men theo bờ ruộng hướng thẳng về phía nhà ngoại.
Tôi nghĩ mình là người đầu tiên nhìn thấy, bụng bảo chắc bạn bè của mấy cậu đến viếng ngoại. Nhưng nhìn cách họ bước, những bước như đi trên con đường quen thuộc, như đứa con xa quê về lại ngôi nhà của chính mình đã làm quả đầu tôi hiện lên một dấu hỏi về hai người đàn ông xa lạ lại có nét thân quen tự có đó. Hồi trống tiễn đưa xổ mạnh làm hai khuôn mặt kia nhợt nhạt đi. Cứ nghĩ đầu óc lần thẩn của mình thích tưởng tượng nhưng mọi sự diễn ra còn hơn những gì tôi nghĩ. Hai người đàn ông mặc quần tây áo sơ mi không cũ không mới nhưng trang trọng đã quỳ sụp bên quan tài của ngoại. Tôi lặng người đi khi thấy trên hai khuôn mặt kia đã ướt đầm nước mắt. Họ cúi đầu lạy, cái vái lạy chứa chan niềm thương mến và biết ơn khôn xiết…
Khi chuyện hậu sự đã xong xuôi, hai người đàn ông đã ngồi lại với đại gia đình. Một người nói, vẻ ngậm ngùi: “Bom đạn đã chỉ còn là dĩ vãng, chiến công của những người lính chính là chiến công quyện cùng với nỗi đau của những người mẹ xứ sở. Những người mẹ thời chiến là nơi hội tụ nỗi đau vô cùng và niềm vinh quang bất diệt. Năm 72, chúng tôi rút đi, lo cho má bị địch phát hiện và làm khó dễ, má ôm từng đứa bảo cứ yên tâm chiến đấu, việc đối mặt với giặc mẹ đã quen rồi, đừng lo. Chia tay, má khóc, khóc không thành tiếng. Anh em hẹn ngày hòa bình sẽ về thăm má. Nhưng chỉ còn hai đứa…”.
Người kia nói nghẹn ngào rưng rưng: “Hòa bình lập lại, cái hẹn vẫn canh cánh nhưng gia đình, công việc, chúng tôi hẹn nhau cùng về nhưng đứa này rảnh lúc đứa kia bận, cứ như vậy, thời gian chạy như tên, cuối cùng thì gặp má trong cảnh sinh ly tử biệt. Nói rồi cả hai nhìn đăm đăm vào di ảnh của ngoại, xin được mang mỗi người một tấm về nhà thờ tự rồi đưa tay quẹt nước mắt…”.
Truyện ngắn: NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/can-ham-sau-vuon-nha-ngoai-97b2d40/