Cần hơn 116 nghìn tỉ để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non

Cần hơn 116 nghìn tỉ để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non
2 ngày trướcBài gốc
Hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các trường, cơ sở giáo dục mầm non. Ảnh minh họa
Gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, sáng 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Hằng năm, có trên 5,1 triệu trẻ mầm non (trong đó có 4.556.771 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi) được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường mầm non và 17.444 cơ sở GDMN độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GDMN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn như: còn một số lượng khá lớn trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 4 tuổi (chủ yếu là trẻ em ở vùng khó khăn, trẻ em đối tượng yếu thế) chưa được tiếp cận với GDMN, tạo ra sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục. Cụ thể, có gần 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng GDMN còn nghèo nàn. Tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt 84,8%, còn 0,5% phòng học tạm và học nhờ/mượn gần 3.000 phòng. Riêng đối với các trường mầm non công lập tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 76,6%, các địa phương bố trí gần trên 2.500 phòng học nhờ. Giáo viên đạt 1,87 giáo viên/lớp. Chính sách hiện hành dành cho trẻ em mầm non, giáo viên, cơ sở giáo dục, cơ chế, chính sách đầu tư, xã hội hóa giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển GDMN.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, Luật Giáo dục chỉ quy định về phổ cập cho trẻ 5 tuổi, để thực hiện phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo cần sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật cần thời gian đánh giá toàn diện để giải quyết nhiều nội dung phức tạp. Việc ban hành Nghị quyết Quốc hội tạo căn cứ, cơ sở pháp lý giúp các địa phương sớm xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo theo yêu cầu của Ban chấp hành Trung ương. Đồng thời, có thời gian chuẩn bị, đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, triển khai thực hiện phổ cập theo lộ trình phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi đối với việc hoàn thành mục tiêu phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo vào năm 2030.
Do đó, việc sớm ban hành Nghị quyết của Quốc hội là cấp thiết, tạo hành lang pháp lý vững chắc về mặt lập pháp của Quốc hội. Đồng thời, kịp thời triển khai chính sách an sinh xã hội, chính sách phát triển nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu phát triển chung.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết: Nghị quyết này quy định thực hiện phổ cập GDMN đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi; cơ chế, chính sách để thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Phạm vi thực hiện trên toàn quốc, phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn về phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo vào năm 2030.
Dự thảo Nghị quyết tập trung giải quyết 03 nhóm chính sách, cụ thể:
Chính sách 1: Ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở GDMN để được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình GDMN.
Trong đó bổ sung chính sách ưu đãi đối với trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn trong độ tuổi thực hiện phổ cập, đảm bảo tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được huy động đến cơ sở giáo dục mầm non: Hỗ trợ chi phí học tập; Nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
Chính sách 2: Chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Quy định một số chính sách đặc thù để hỗ trợ, thu hút đội ngũ, ưu đãi đối với giáo viên mầm non: Trợ cấp thu hút tuyển dụng giáo viên mẫu giáo; Hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non; Ưu tiêu, đầu tư và thu hút nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp học mầm non; Sau khi cân đối số biên chế hiện nay còn thiếu và số biên chế cần bổ sung do tăng quy mô để thực hiện phổ cập với số biên chế dự kiến giao thêm giai đoạn 2026-2030 cho các tỉnh, thành phố thì cần đề nghị Bộ Chính trị bổ sung khoảng 21.427 chỉ tiêu biên chế.
Chính sách 3: Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp GDMN; trong đó nhà nước ưu tiên có chương trình đầu tư để xây dựng đủ trường/lớp học đáp ứng yêu cầu phổ cập, trong đó ưu tiên đầu tư cho vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.
Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết
Tổng dự toán kinh phí để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 3 đến 5 tuổi (giai đoạn 2026-2030) là 116.314,1 tỷ đồng, trong đó:
Kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo, (gồm chi phí học tập, hỗ trợ tiền ăn trưa): 1.062 tỷ/năm.
Kinh phí thu hút, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non thực hiện nhiệm vụ phổ cập; trong đó Kinh phí hỗ trợ tuyển dụng giáo viên mẫu giáo: 2.827,6 tỷ đồng.
Kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ phổ cập: 3.296,8 tỷ/năm.
Kiên cố hóa trường, lớp học: nhu cầu vốn khoảng 26.651 tỷ đồng.
Xây dựng bổ sung đủ số phòng học trên lớp và số học sinh mỗi lớp không vượt quá quy định của từng cấp học: nhu cầu vốn khoảng 27.953 tỷ đồng; xây dựng bổ sung phòng học chức năng; thư viện; trang thiết bị dạy học...
PVH
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/can-hon-116-nghin-ti-gan-21500-chi-tieu-bien-che-de-thuc-hien-pho-cap-giao-duc-mam-non-20250417100546378.htm