Cần hơn 64.000 tỉ làm tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh, đoạn Dĩ An - Bàu Bàng

Cần hơn 64.000 tỉ làm tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh, đoạn Dĩ An - Bàu Bàng
một ngày trướcBài gốc
Trong báo cáo tóm tắt vừa mới đây về tình hình thực hiện các dự án đường sắt trên địa bàn TP.HCM của UBND TP.HCM, tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh (đoạn Dĩ An - Bàu Bàng) là một trong những dự án đang được TP.HCM rà soát để triển khai đầu tư.
Đường sắt dài hơn 52km, mức đầu tư 64.000 tỉ
Tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh (đoạn Dĩ An - Bàu Bàng) dài hơn 52km, bắt đầu từ ga An Bình (phường Dĩ An) đến ga Bàu Bàng (xã Bàu Bàng), đi qua các địa phương cũ gồm Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát và Bàu Bàng.
Tuyến sử dụng khổ ray tiêu chuẩn 1.435mm, được quy hoạch đường đôi để vận chuyển cả hành khách và hàng hóa, với 10 ga dọc tuyến.
Hướng tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh (đoạn Dĩ An - Bàu Bàng) cơ bản bám sát quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, cập nhật theo mạng lưới đường sắt quốc gia và quy hoạch đầu mối TP.HCM.
Tuyến dự kiến đi song song bên trái đường Mỹ Phước - Tân Vạn, qua Bình Chuẩn, phía đông phường Thủ Dầu Một, rồi vòng qua khu công nghiệp VSIP II đến Bàu Bàng. Dự kiến, tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 193ha, thời gian thực hiện từ 2026 đến 2033.
Đường sắt quốc gia đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh (đoạn Dĩ An - Bàu Bàng) là dự án thuộc danh mục công trình quan trọng quốc gia, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư thuộc Quốc hội. UBND TP.HCM là cơ quan chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đơn vị tư vấn là TEDI South.
TP.HCM cho biết dự án từng được tỉnh Bình Dương cũ thành lập hội đồng thẩm định nội bộ. Hiện TP đang cập nhật theo Luật Đường sắt (sửa đổi, dự kiến ban hành năm 2025) và các quy định mới nhằm đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư.
Kỳ vọng từ mô hình TOD đường sắt
Tuyến đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh (đoạn Dĩ An - Bàu Bàng) có tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính hơn 64.000 tỉ đồng, với nguồn vốn từ ngân sách trung ương, địa phương và các nguồn hợp pháp khác (bao gồm cả vốn trái phiếu và phát triển đô thị theo mô hình TOD).
Trao đổi với PV PLO, ông Bùi Xuân Phong, GS TS - Giảng viên cao cấp, nguyên chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam nhận định mô hình đầu tư TOD đường sắt quốc gia là hình thức phát triển đô thị lấy các nhà ga đường sắt làm trung tâm, tập trung xây dựng các công trình dân cư, thương mại, dịch vụ xung quanh các nhà ga này, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng đất, giảm thiểu phương tiện cá nhân và thúc đẩy giao thông công cộng.
Mô hình TOD cho hệ thống đường sắt quốc gia là một hướng tiếp cận quy hoạch hiện đại, trong đó giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức và phát triển không gian đô thị.
Cụ thể, mô hình này bao gồm việc tích hợp các khu dân cư, thương mại, dịch vụ công cộng và không gian xanh xung quanh các nhà ga đường sắt, tạo ra các khu đô thị phát triển hài hòa, tiện nghi và thân thiện với môi trường.
Chuyên gia nhận định mô hình TOD cho đường sắt quốc gia là một hướng tiếp cận quy hoạch hiện đại. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Song song đó, hệ thống giao thông công cộng như đường sắt, xe buýt và các phương tiện kết nối được ưu tiên phát triển, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ và giảm dần sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân. Việc tăng cường kết nối giữa các khu vực thông qua hạ tầng như đường bộ, lối đi bộ và đường dành cho xe đạp cũng đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận và tính liên kết đô thị.
"Một lợi ích đáng kể của mô hình TOD là làm gia tăng giá trị đất đai tại khu vực quanh nhà ga, tạo ra nguồn lực tài chính để đầu tư trở lại cho hạ tầng và dịch vụ công cộng. Nhờ đó, mô hình TOD này sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm năng lượng, hạn chế khí thải gây ô nhiễm, đồng thời nâng cao chất lượng sống thông qua việc cung cấp tiện ích đa dạng và không gian sống chất lượng cho cư dân", ông Phong nói.
Ngoài ra, TOD còn tạo động lực phát triển kinh tế địa phương, thu hút đầu tư và mở rộng cơ hội việc làm. Với các tuyến đường sắt, mô hình TOD cho phép quy hoạch và phát triển các khu vực xung quanh nhà ga một cách hiệu quả, tối ưu hóa sử dụng đất, giảm áp lực giao thông cá nhân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Hồi cuối tháng 6, UBND tỉnh Bình Dương cũ đã họp xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng.
Vào cuối tháng 4, ông Võ Văn Minh, khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (nay là Chủ tịch HĐND TP.HCM) đã chủ trì cuộc họp nghe đơn vị tư vấn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt Dĩ An - Bàu Bàng.
Qua báo cáo của đơn vị tư vấn và ý kiến của các sở ngành, ông Minh yêu cầu các sở ngành phối hợp đơn vị tư vấn xác định số lượng cầu vượt, hầm chui trên tuyến để đưa vào phương án các nút giao trong báo cáo tiền khả thi. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch của các địa phương để hoàn chỉnh hướng tuyến;
Cạnh đó, đơn vị tư vấn báo cáo rõ về phương án tài chính, phương thức đầu tư, dự kiến công nghệ của tuyến đường sắt. Các địa phương có tuyến đường sắt đi qua lưu ý rà soát khối lượng bồi thường giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.
NHƯ NGỌC
Nguồn PLO : https://plo.vn/can-hon-64000-ti-lam-tuyen-duong-sat-tphcm-loc-ninh-doan-di-an-bau-bang-post862125.html