Bản đồ tổng hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Dự kiến dự án sử dụng hơn 187,8 ha; với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn qua Hải Dương khoảng hơn 3.893 tỷ đồng.
Trong đó, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương, để thực hiện dự án sẽ có nhiều công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn bị ảnh hưởng.
Về công trình đê điều, tuyến đường sắt giao cắt qua 3 tuyến đê gồm: đê hữu Văn Úc thuộc xã Vĩnh Cường (Thanh Hà); đê tả, hữu Thái Bình thuộc xã Chí Minh (Tứ Kỳ) và xã Thanh Hồng (Thanh Hà). Đối với công trình thủy lợi do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải quản lý, khai thác, tuyến đường sắt giao cắt qua 2 tuyến kênh Kim Sơn, Đĩnh Đào tại xã Phúc Điền (Cẩm Giàng); Vĩnh Hưng, Long Xuyên (Bình Giang); Yết Kiêu (Gia Lộc) và khoảng 29 công trình thủy lợi gồm trạm bơm, kênh tưới tiêu...
Tuyến đường ảnh hưởng đến 90 công trình thủy lợi khác tại các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Bình Giang và 45 công trình thủy sản, 8 công trình đường nội đồng của huyện Gia Lộc. Theo các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đánh giá, tổng kinh phí di dời, hoàn trả (tạm tính) khoảng 300 tỷ đồng. Đối với công trình qua đê, kênh chỉ tính hoàn trả, gia cố mái, bờ đê, kênh, không tính xây cầu.
Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với tổng vốn hơn 200.000 tỷ đồng. Điểm đầu dự án tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (Hải Phòng), dài gần 391 km; chiều dài tuyến nhánh 27,9 km, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tuyến đường sắt được đầu tư mới đường đơn, khổ 1,435 m, vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h với tuyến chính từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng; 120 km/h với đoạn qua khu vực đầu mối TP. Hà Nội; tốc độ 80 km/h với các đoạn tuyến còn lại.
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha, số dân tái định cư hơn 19.000 người. Dự án phấn đấu hoàn thành chậm nhất năm 2030.
Hoàng Giang