Cần khuyến khích phát triển các nhà cung cấp nội địa trong chuỗi giá trị bán dẫn

Cần khuyến khích phát triển các nhà cung cấp nội địa trong chuỗi giá trị bán dẫn
2 giờ trướcBài gốc
Quy định rõ vai trò của doanh nghiệp FDI trong chuyển giao công nghệ
Sáng 30/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Góp ý vào dự án Luật, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh nêu, về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, nên bổ sung quy định rõ vai trò của khu vực tư nhân, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp FDI trong việc đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Ví dụ: "Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ."
Đồng thời, cần bổ sung yêu cầu minh bạch và cơ chế quản lý rủi ro trong thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số để đảm bảo không gây tác động tiêu cực đến thị trường hoặc người tiêu dùng; bổ sung yêu cầu các hạ tầng công nghệ số cần hướng đến tiêu chuẩn xanh và tiết kiệm năng lượng. Ví dụ: "Ưu tiên đầu tư vào hạ tầng công nghệ số theo tiêu chuẩn xanh, bền vững, tiết kiệm năng lượng."
Về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đại biểu đề nghị nên bổ sung chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số, ví dụ về ưu đãi tài chính, tiếp cận quỹ hỗ trợ hoặc cơ chế bảo lãnh tín dụng. Bổ sung nội dung về việc xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt trong việc chuyển giao công nghệ và tiếp cận thị trường toàn cầu.
Về phát triển thị trường công nghiệp công nghệ số, ông Thạch Phước Bình cho rằng, cần cụ thể hóa cách lựa chọn và phát triển các sản phẩm trọng điểm, ví dụ: Xây dựng danh mục sản phẩm công nghệ số trọng điểm theo định kỳ, ưu tiên các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tác động sâu rộng đến chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, bổ sung quy định liên quan đến việc bảo đảm an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu trong các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số.
Đại biểu cũng kiến nghị nên cụ thể hóa hơn các chính sách thu hút chuyên gia trong và ngoài nước, như áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, tạo điều kiện định cư và hỗ trợ nghiên cứu cho chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ số. Khuyến khích hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực thực tế, thông qua các chương trình học tập kết hợp làm việc (work-integrated learning).
Cùng với đó, bổ sung cụ thể về các chính sách khuyến khích tái chế linh kiện, thiết bị công nghệ số và quản lý chất thải điện tử. Đề xuất thêm chính sách hỗ trợ tài chính hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Cụ thể hóa mục tiêu phát triển sản phẩm bán dẫn chuyên dụng
Đối với việc phát triển công nghiệp bán dẫn, ông Bình đề xuất, cần cụ thể hóa mục tiêu phát triển sản phẩm bán dẫn chuyên dụng, ví dụ ưu tiên chip AI, IoT, hoặc chip ứng dụng trong quốc phòng, y tế. Nên bổ sung nội dung khuyến khích phát triển các nhà cung cấp nội địa trong chuỗi giá trị bán dẫn để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
Đồng thời, quy định về cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo; thành lập quỹ hỗ trợ R&D cho công nghiệp công nghệ số; tổ chức đánh giá định kỳ hiệu quả thực thi các chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số.
Một vấn đề cũng được quan tâm đó là quy định về tài sản số trong dự thảo Luật. Đại biểu đoàn Trà Vình đề xuất bổ sung thêm các ví dụ cụ thể về tài sản số như tài sản trí tuệ số, NFT (Non-Fungible Token), tiền mã hóa (cryptocurrency) và tài sản số liên quan đến dữ liệu lớn (big data). Điều này giúp minh họa phạm vi áp dụng và tránh gây hiểu nhầm.
Về tài sản mã hóa (khoản 2), đại biểu đề nghị làm rõ hơn sự khác biệt giữa tài sản mã hóa và các tài sản số khác, nhấn mạnh rằng tài sản mã hóa có thể bao gồm cả các token tiện ích (utility tokens) và token chứng khoán (security tokens).
Theo đại biểu, về tiêu chí xác định tài sản số, hiện nay, tiêu chí minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình được nhắc đến, nhưng chưa nêu rõ ràng cơ chế đảm bảo. Cần bổ sung nội dung yêu cầu các giao dịch tài sản số phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.
Ví dụ sửa đổi: "Các giao dịch tài sản số phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin minh bạch, dễ hiểu đối với người tiêu dùng, cũng như cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp." Các hệ thống liên quan đến tài sản số cần tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh mạng quốc tế, để tăng khả năng bảo vệ người sử dụng khỏi các rủi ro an ninh.
Ông Bình cũng kiến nghị cần làm rõ các giai đoạn của vòng đời tài sản số (ví dụ: tạo lập, giao dịch, lưu trữ, hủy bỏ) và trách nhiệm pháp lý tại từng giai đoạn. Điều này giúp cơ quan quản lý có cơ sở theo dõi và kiểm soát hiệu quả hơn.
Mặt khác, bổ sung danh mục các cơ quan chịu trách nhiệm chính trong từng lĩnh vực (ví dụ: Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý công nghệ, Bộ Tài chính quản lý thuế, Ngân hàng Nhà nước quản lý tài chính số).
Từ đó, sửa đổi theo hướng: “Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm xây dựng khung pháp lý liên quan đến công nghệ tài sản số; Bộ Tài chính quản lý các khía cạnh thuế và tài chính; Ngân hàng Nhà nước giám sát các hoạt động tài chính số”...
Quỳnh Nga
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/can-khuyen-khich-phat-trien-cac-nha-cung-cap-noi-dia-trong-chuoi-gia-tri-ban-dan-361710.html