Hành vi tống tiền bằng clip nóng là một hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật. Người thực hiện hành vi tống tiền bằng clip nóng tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Xử phạt hành chính:
Căn cứ điểm b khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác thì hành vi tống tiền bằng clip nóng là hành vi dùng thủ đoạn để buộc người khác đưa tiền, tài sản. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt là phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đồng thời tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
2. Xử lý hình sự:
Căn cứ Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cưỡng đoạt tài sản nếu người thực hiện hành vi biết việc làm của mình sẽ vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý làm và dùng thủ đoạn để đe dọa, uy hiếp nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thỏa mãn yêu cầu của mình là có dấu hiệu pháp lý của tội danh cưỡng đoạt tài sản. Khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 20 năm tù và hình phạt bổ sung phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nhiều đối tượng lợi dụng sự sợ hãi của người bị hại để đe dọa, yêu cầu người bị hại phải cung cấp tiền để "bịt miệng". Tuy nhiên khi gặp phải tình huống này, nạn nhân cần bình tĩnh để tìm cách giải quyết phù hợp với quy định pháp luật, tránh sợ hãi quá mức mà làm hại đến chính bản thân mình.
1. Thẩm quyền xử lý hành vi tống tiền bằng clip nóng:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 163 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt. Khi nhận thấy người khác thực hiện hành vi quay clip nóng tống tiền, người bị hại cần đến nộp đơn tố cáo đến cơ quan công an điều tra địa phương (cơ quan công an cấp huyện) nơi có tội phạm cư trú.
Một tin nhắn đe dọa, tống tiền bằng clip cắt ghép hình ảnh được công an điều tra (ảnh tư liệu).
2. Các bước tố giác hành vi tống tiền bằng clip nóng:
Để tố giác hành vi này, bạn có thể thực hiện các bước sau:
Bước 1: Thu thập bằng chứng: Khi nhận được bất kỳ clip nóng hoặc thông tin nào liên quan đến hành vi tống tiền, hãy lưu giữ chúng như bằng chứng. Đảm bảo sao lưu các tin nhắn, email, hoặc bất kỳ phương tiện nào khác liên quan đến vụ việc.
Bước 2: Báo cáo cho cơ quan công an: Tùy vào từng trường hợp cụ thể, người bị hại cần xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Sau đó, liên hệ với cơ quan công an trên để báo cáo vụ việc. Cung cấp cho họ tất cả thông tin và bằng chứng mà bạn đã thu thập được để họ có thể điều tra, xác minh hành vi trên.
Bước 3: Lựa chọn hình thức và tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Người bị hại có thể tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố có thể bằng các hình thức sau: (1) Bằng miệng (trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước trên); (2) Bằng văn bản (gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước trên).
Bước 4: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về hành vi đe dọa tống tiền bằng clip nóng trên Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định: (1) Quyết định khởi tố vụ án hình sự; (2) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; (3) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác.
T.Sơn