Cần lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp

Cần lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp
9 giờ trướcBài gốc
Chế độ thuế khoán khiến hộ kinh doanh tăng đều qua các năm
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 20/5, Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: Media Quốc hội.
Nêu thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp che giấu lợi nhuận, sử dụng hai hệ thống sổ kế toán trốn thuế tinh vi, gây thất thu ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị bổ sung quy định cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp với đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về thuế như trốn thuế, nợ thuế, nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, ổn định môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhất trí chủ trương tăng cường hậu kiểm doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung cơ chế hậu kiểm theo quản lý rủi ro.
"Cơ quan Nhà nước phải xây dựng tiêu chí đánh giá, chấm điểm rủi ro và thực hiện kiểm tra tần suất cao với những doanh nghiệp rủi ro cao. Biện pháp kiểm tra theo mức độ rủi ro đã được áp dụng trong ngành thuế và hải quan những năm qua, mang lại lợi ích rất hiệu quả. Hiện nay, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đang được xây dựng và tập hợp đầy đủ. Đây chính là điều kiện tốt để triển khai chấm điểm rủi ro và kiểm tra theo cấp rủi ro", ông Đồng nói.
Quan tâm mô hình hộ kinh doanh, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội) nói, Nhà nước từng nhiều lần khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình hoạt động doanh nghiệp kể từ sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực, nhưng số lượng hộ kinh doanh vẫn tăng đều qua các năm.
Theo đại biểu, nguyên nhân là mô hình này đang được áp dụng chế độ thuế khoán đơn giản, quản lý không chặt chẽ về chứng từ kế toán và mức xử phạt vi phạm hành chính của hộ kinh doanh chỉ bằng một nửa so với mô hình doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong chính khu vực kinh tế tư nhân.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Media Quốc hội.
"Một doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng một năm cũng phải thực hiện chế độ sổ sách, hóa đơn, chứng từ kế toán doanh nghiệp, nhưng có nhiều hộ kinh doanh có quy mô doanh thu hàng chục tỷ đồng lại chỉ bị khoán thuế và vẫn hoạt động ngoài khung pháp lý của Luật Doanh nghiệp. Đây là vấn đề bất cập, cần được xử lý", nữ đại biểu nhìn nhận.
Đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho biết, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp được phân chia thành 2 nhóm. Đó là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (gọi chung là công ty) và doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, nhiều quy định chung trong luật được thiết kế theo logic của công ty lại không phù hợp bản chất doanh nghiệp tư nhân, dẫn đến tình trạng một số quy định quá lỏng lẻo với công ty, nhưng lại quá ràng buộc với doanh nghiệp tư nhân.
Từ đó, bà Hà kiến nghị Chính phủ cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026 như tinh thần Nghị quyết 68.
Đồng thời, ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân mới thay thế cho cả mô hình hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân hiện tại, để áp dụng cho mô hình kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ.
"Luật này cần được thiết kế theo nguyên tắc thủ tục thành lập đơn giản, chi phí thấp, miễn kiểm toán, miễn báo cáo tài chính định kỳ nếu doanh thu dưới ngưỡng quy định, áp dụng thuế thu nhập cá nhân thay vì thuế khoán, đảm bảo công bằng và minh bạch", bà Hà nêu ý kiến.
Xem xét trình ban hành Luật Hộ kinh doanh
Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, có hiện tượng lợi dụng chính sách về miễn giảm thuế khoán, một số doanh nghiệp thành lập một thời gian lại đóng cửa và thành lập doanh nghiệp mới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Media Quốc hội.
Thời gian tới sẽ triển khai kết nối dữ liệu dân cư trong hệ thống doanh nghiệp, tất cả chủ doanh nghiệp đều phải được định danh cá nhân. Như vậy, việc trục lợi chính sách của Nhà nước sẽ được hạn chế.
Nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, ông Thắng cho hay, tới đây, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp trong phạm vi địa phương.
Liên quan đề nghị đưa đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo luật và có chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp, ông Thắng nói, đối tượng áp dụng Luật Doanh nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp thuộc loại hình công ty TNHH, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, chưa áp dụng đối với hộ kinh doanh.
Năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật Doanh nghiệp, đề xuất cho phép bổ sung đối tượng hộ kinh doanh vào luật này nhưng thời điểm đó, Quốc hội biểu quyết không đưa vào do không phù hợp phạm vi, cũng như tên gọi.
Vừa qua, tại Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý về hộ kinh doanh cá thể. Do vậy, Bộ Tài chính đang xem xét đề xuất trình Chính phủ trình Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành Luật Hộ kinh doanh để xác định pháp lý cũng như mô hình tổ chức hoạt động cho hộ kinh doanh cá thể.
Về chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp, ông Thắng cho hay, Nghị quyết 68 có nhiều giải pháp như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp mới thành lập; hỗ trợ tiền thuê đất; giảm các thủ tục, điều kiện về kế toán, lao động, kê khai thuế.
Đồng thời, siết chặt quản lý đối với hộ kinh doanh theo hướng bỏ thuế khoán, thực hiện kê khai nộp thuế theo doanh thu thực tế như doanh nghiệp.
Yến Chi
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/can-lo-trinh-chuyen-doi-toan-bo-ho-kinh-doanh-sang-doanh-nghiep-192250520132042498.htm