Trong lịch sử nhân loại, chưa có ai đốt nhiều sách như Hoàng đế Càn Long nhà Thanh của Trung Quốc. Dưới thời phong kiến, có rất nhiều vụ án văn chương đau lòng xảy ra, đặc biệt là dưới triều đại nhà Thanh. Thời Khang Hy, Ung Chính và đến thời Càn Long còn thảm khốc hơn. Đồng thời cũng dưới thời Hoàng đế này, ở Trung Quốc đã có hàng trăm ngàn quyển sách bị đốt thành tro.
Càn Long tên húy là Ái Tân La Hoằng Lịch. Hoằng Lịch sinh ngày 25/9 năm Tân Mão 1711, thân phụ là Hoàng đế Ung Chính.
Hoàng Lịch là người con trai thứ tư của Hoàng đế Ung Chính và là Hoàng đế thứ 6 của vương triều nhà Thanh, đồng thời ông là Hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc (thọ 88 tuổi). Thời kỳ trị vì của ông kéo dài 60 năm (từ 1736 đến 1796).
Chân dung Hoàng đế Càn Long (1711 - 1799). Ảnh: Internet
Thời kỳ này là thời kỳ cực thịnh về kinh tế, chính trị và quân sự của vương triều nhà Thanh. Thời bấy giờ, lãnh thổ nhà Thanh kéo dài tới châu thổ sông Châu Giang và Tân Cương. Lãnh thổ Trung Quốc mở rộng tối đa: Khoảng 11 triệu km vuông.
Ông bắt chước cách cai trị của ông nội mình là Khang Hy (1654 - 1722), người mà ông rất ngưỡng mộ từ khi ông còn bé.
Khi còn trẻ, Hoằng Lịch đã khiến Khang Hy ngạc nhiên về rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về văn họcnghệ thuật. Khang Hy đã cho rằng về sau này Hoằng Lịch có thể xứng đáng trở thành Hoàng đế kế vị nhà Thanh sau Ung Chính.
Hoằng Lịch tuy là người con thứ 4 của Hoàng đế Ung Chính nhưng nhờ văn võ song toàn lại có hiếu thảo với cha mẹ, nên khi Ung Chính sắp lâm chung đã truyền chiếu chỉ lập Hoằng Lịch lên làm vua.
Năm Bính Thìn 1736 Ung Chính mất, Hoằng Lịch lên ngôi Hoàng đế hiệu là Cao Tông và đặt niên hiệu là Càn Long.
Sau khi lên làm vua, Càn Long ban chiếu lệnh đại xá cho tù nhân và tiếp tục theo di chiếu của vua cha, tiếp tục mở rộng chủ trương “ngu văn trị” xóa bỏ những tác phẩm văn học có tư tưởng tiến bộ, bằng mọi thủ đoạn đề cao các tác phẩm của Hoàng đế.
Về mặt kinh tế, chính trị, xã hội đời vua Càn Long là thời kỳ hưng thịnh nhất của nhà Thanh. Chính thời kỳ thịnh trị, đất nước thái bình nên Càn Long cũng bắt chước ông cha đi “vi hành”.
Khác với Hoàng đế Khang Hy, Càn Long đi vi hành là để hưởng lạc, suốt ngày đêm yến tiệc hội hè. Còn như việc thăm hỏi dân tình cuộc sống có đầy đủ ấm no hay không thì đó chỉ là việc phụ, đồng thời rất nhiều cô gái người Hán đã được Càn Long ân sủng nhiều người sau đó được đưa vào cung phong làm phi.
Trên đường đi vi hành tuần du xuống Giang Nam suốt hai bên đường, Càn Long đi qua các địa phương đều cung ứng các thứ vật dụng đầy đủ. Tuần du xuống Giang Nam xong, Càn Long quay về tế mộ tổ, đắp tượng của mình tại chùa Linh Ẩn Hàng Châu rồi quay về kinh thành.
Về sau trong đời làm vua của mình Càn Long còn đi tuần du Giang Nam một lần nữa và lần đi tuần du này đã để lại một vụ án văn tự “Hắc mẫu đơn thi” (thơ vịnh hoa mẫu đơn đen). Bài thơ vịnh hoa mẫu đơn đen vốn là của đại họa sĩ Thẩm Đức Tiềm.
Bên cạnh Càn Long luôn có hai quân sư, một người chuyên về văn và một người chuyên về thơ, người chuyên “gà” thơ cho Càn Long là Thẩm Đức Tiềm. Càn Long luôn tỏ ra kính nể vị quân sư này. Khi Thẩm Đức Tiềm chết đã ngoài 80 tuổi. Chính trong lần đi tuần du Giang Nam lần thứ hai, Càn Long đã ghé thăm phần mộ của Thẩm Đức Tiềm. Sau đó Càn Long truyền lệnh cho con cháu Thẩm Đức Tiềm đem sách còn lưu lại để xem. Khi xem xong một số văn bản thấy có một số văn bản phạm húy, Càn Long đã tức điên lên, cho đào mộ Thẩm Đức Tiềm, kéo thây trong quan tài ra chặt đứt đầu để răn đe kẻ khác. Con cháu họ Thẩm tất cả đều đày đến Hắc Long Giang để xung quân, toàn bộ gia sản bị tịch thu hết.
Càn Long đã tập trung 360 tác gia nổi tiếng trên văn đàn để biên soạn nhiều bộ sách kinh điển trong đó có bộ “Tứ khố Toàn thư” để thi hành chính sách chuyên chế vềVăn hoánhằm củng cố vương triều Thanh. Việc biên soạn bộ sách, Càn Long ra lệnh cái gì cần bỏ thì bỏ, cái gì cần đổi thì đổi. Vì vậy rất nhiều sách quý giá của Trung Quốc từ trước đó đến thời Càn Long nếu không hợp không cần là bỏ hết, bị đem ra đốt thành tro bụi.
Do đó trong việc biên soạn bộ “Tứ khố Toàn thư”, nếu là các văn bản triều Minh truyền lại, chỉ cần nội dung không có lợi cho triều đình nhà Thanh là đem đốt hết không cần bàn. Có tác phẩm không dính gì đến chính trị như “Ấn học Ngũ thư” của Cổ Viêm Đế cũng bị hủy. Theo như thống kê trong 10 năm biên soạn “Tứ khố Toàn thư”, chỉ riêng tỉnh Chiết Giang đã đốt sách đến 24 lần. Trên 500 loại sách bị hủy bỏ với hơn 10.000 bộ. Tỉnh Giang Tây cũng đốt trên 8.000 bộ sách các loại. Tính tổng cộng số sách được đốt trên 700.000 cuốn. Như vậy chính Càn Long là người đốt nhiều sách nhiều nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Ngoài Tể tướng Lưu Dung được trọng dụng thì Hòa Thân là một trong những tên tay chân cận thần của Càn Long.
Hòa Thân luôn luôn tỏ ra là một đầy tớ trung thành nhưng lợi dụng sự ân sủng của Càn Long để vơ vét của cải, ăn của đút lót. Vàng bạc của cải châu báu của Hòa Thân còn nhiều hơn cả ngân khố triều đình. Hòa Thân còn làm nhiều điều tàn ác, không phải Càn Long không biết những việc đó, nhưng đã làm ngơ mặc kệ cho muốn làm gì thì làm. Bởi vì Hòa Thân chính là người thường tổ chức ra những cuộc vui chơi và luôn làm theo ý của Càn Long.
Thấm thoắt, Càn Long cũng đã già và ở ngôi đế được 60 năm. Càn Long bắt chước các vị đế vương ngày trước nhường ngôi lại cho con để lên làm Thái Thượng hoàng, năm Bính Thìn 1796.
Do có nhiều con trai, Càn Long cũng bắt chước cha là không lập hoàng tử cả làm thái tử. Vì vậy khi về già Càn Long đã lập người con trai thứ 15 tên là Ái Tân Đảng La Hoằng Lịch lên làm Hoàng đế. Còn mình thì lên làm Thái Thượng hoàng, nhưng thực chất Càn Long vẫn nắm triều chính.
Năm Kỷ Mùi năm 1799, Càn Long bị bệnh ốm vì tuổi già và đã qua đời, hưởng thọ 88 tuổi. Sau khi mất, Càn Long có miếu hiệu thường được gọi là Thanh Cao Tông.
Đánh giá về một nhân vật lịch sử là phải nhìn nhân vật đó trong quá trình lịch sử. Xét đến điều kiện đương thời và tác động của toàn xã hội lịch sử, đặc biệt là về Càn Long. Cái chính ở đây thì hầu như ai cũng biết ông chính là người đốt nhiều sách nhất trong lịch sử Trung Quốc cũng như trong lịch sử nhân loại.
Theo Văn hóa và Phát triển