Ghi nhận của phóng viên Báo Công lý tại các điểm hút bùn thải cho thấy công việc "tái sinh" sông Tô Lịch đang được triển khai rất khẩn trương.
Giai đoạn một, công nhân ngành thoát nước Hà Nội sẽ tập trung nạo vét, hút bùn đoạn từ thượng nguồn sông Tô Lịch (đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy) đến đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân). Dự kiến có khoảng 50.000 mét khối bùn thải sẽ được hút để đưa đến nơi xử lý tập trung của TP Hà Nội.
Công nhân ngâm mình trong dòng nước đen. Công việc nạo vét, hút bùn trên sông Tô Lịch đang diễn ra rất khẩn trương.
Cận cảnh quá trình nạo vét bùn thải.
Đây là lần đầu tiên Hà Nội nạo vét tổng thể sông Tô Lịch. Công việc nạo vét, hút bùn tổng thể chỉ là một trong những giải pháp hồi sinh dòng sông. Để sông Tô Lịch "sống", bên cạnh công việc này còn phải thực hiện đồng loạt nhiều nhiệm vụ như xây đập chữ T, thu gom xử lý triệt để nước thải, điều tiết nước sạch tạo dòng chảy.
Công việc hút bùn tổng thể sông Tô Lịch được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một bắt đầu từ tháng 3 đến trước dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5. Sau khi giai đoạn một kết thúc sẽ bắt tay hút bùn phần còn lại từ đường Nguyễn Trãi xuống hạ lưu. Tuy nhiên để có cơ sở xây dựng phương án nạo vét phần còn lại thì các cơ quan chức năng tiếp tục khảo sát, đo đạc vì đến tháng 5-2025 sẽ bước vào mùa mưa, nên phải dựa vào hiện trạng của sông Tô Lịch thời điểm đó.
Để thau rửa làm sạch sông Tô Lịch, công nhân tiến hành thu gom nước thải, hút sạch bùn cặn ô nhiễm dưới sông. Sau đó bổ sung nước sạch cho sông Tô Lịch. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội sẽ xây dựng các trạm thu gom xử lý nước thải trước khi đổ vào sông Tô Lịch, đồng thời xây dựng cảnh quan hai bên sông.
Bùn thải được trục vớt từ dưới lòng sông.
Những ngày này dù Hà Nội mưa phùn, trời lạnh về đêm nhưng những công nhân thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (HSDC) vẫn cần mẫn bắt đầu công việc nạo vét, hút bùn sông Tô Lịch.
Sông Tô Lịch có giá trị lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của thủ đô Hà Nội. Trải qua tiến trình phát triển của các thời kỳ Thăng Long, sông Tô Lịch khi xưa là con sông lớn, lòng sông rộng nên đã là một trục giao thông thủy quan trọng nối từ Đông sang Tây của kinh thành Thăng Long.
Hiện nay, việc nạo vét tổng thể sông Tô Lịch đi cùng với kế hoạch bổ cập nước sông Hồng vào làm sạch sông Tô Lịch, cải tạo môi trường, cảnh quan hai bên dòng sông Tô Lịch. Khung cảnh sông Tô Lịch sắp được "thay da đổi thịt" phần nào cho thấy, Hà Nội rất quyết tâm thực hiện mục tiêu biến sông Tô Lịch thành không gian xanh, điểm nhấn cảnh quan và sinh thái phục vụ cộng đồng.
Ông Trần Văn, một cư dân sinh sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội hy vọng dự án sẽ giúp cải thiện không chỉ môi trường sống mà còn làm đẹp cảnh quan, giúp tăng giá trị đất đai và phát triển du lịch ở khu vực xung quanh. Ông cũng kỳ vọng rằng sau khi hoàn thành, sông Tô Lịch sẽ trở thành một điểm đến thu hút du khách, giúp nâng cao đời sống cộng đồng.
Dòng sông Tô Lịch gắn bó với biết bao thế hệ người dân Hà Nội, đã từng là một trong những biểu tượng của Thủ đô. Nhưng theo thời gian, con sông này dần trở thành nơi ô nhiễm nghiêm trọng. Để cải thiện tình trạng này, những ngày qua, hàng trăm công nhân môi trường đang miệt mài làm việc, nạo vét bùn để trả lại sự trong sạch cho dòng sông.
Thành phố Hà Nội đang quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng sông Tô Lịch. Thành phố cũng đặt ra mục tiêu biến sông Tô Lịch thành không gian xanh, điểm nhấn cảnh quan và sinh thái phục vụ cộng đồng.
Dương Dũng