Cần một 'bài toán lớn' tập hợp nhân lực thiết kế chip cho Việt Nam

Cần một 'bài toán lớn' tập hợp nhân lực thiết kế chip cho Việt Nam
5 giờ trướcBài gốc
Tại hội thảo quốc tế “Quản trị nguồn nhân lực chiến lược trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam” chiều ngày 30/6, ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng giám đốc CoAsia Semi Việt Nam, khẳng định: “Chúng ta không phát triển ngành vi mạch từ con số 0”. Thực tế, theo khảo sát, Việt Nam đã có khoảng 6.000 kỹ sư thiết kế chip đang làm việc cho gần 50 công ty tại Việt Nam, trong đó không ít "ông lớn" toàn cầu.
Không thiếu kỹ sư giỏi
“Thiết kế chip cực kỳ gần với sở hữu chip. Đừng hiểu sai rằng Việt Nam không có gì, chúng ta có rất nhiều”, ông Yên khẳng định.
Theo vị chuyên gia, Việt Nam đã có một đội ngũ kỹ sư thiết kế chip khá lớn. Tuy nhiên hầu hết nhân lực trong đội ngũ này đều làm việc cho nước ngoài, chỉ một số ít làm cho các công ty Việt Nam. Cách đây 5 năm, gần như không có công ty Việt Nam nào hoạt động thiết kế chip. Gần đây đã xuất hiện một vài doanh nghiệp trong lĩnh vực này, nhưng số lượng bán ra thị trường của họ vẫn rất ít, chưa đáng kể.
Bản đồ các công ty thiết kế chip tại Việt Nam bắt đầu có sự xuất hiện của những doanh nghiệp Việt. (Nguồn: Công đồng vi mạch Việt Nam tổng hợp 5/2025).
“Tức là nguồn lực của chúng ta đang làm thuê chứ chưa làm chủ. Hiện trạng ngành thiết kế chip của chúng ta đang thiếu tính sở hữu. Infineon hay Renesas là những công ty số 1, số 2 thế giới cung cấp chip cho lĩnh vực ô tô và tự động hóa. Nghĩa là kỹ sư Việt Nam thiết kế những con chip phức tạp gắn vào các sản phẩm công nghệ cao như xe BMW, Toyota, Kia đang chạy ngoài đường… Chỉ có điều nhãn hiệu ấy không phải sở hữu của chúng ta”.
Ông Yên đặt vấn đề: Đang thiếu bài toán lớn để tập hợp được những người như vậy tham gia làm nên các con chip sở hữu của Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm, một trong những điểm nghẽn lớn nhất hiện nay về nhân lực ngành bán dẫn là sự phân tán nguồn lực.
PGS.TS Nguyễn Đăng Minh, Viện Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ rõ: “Cần có quản trị để liên kết, tập hợp. Nếu không chúng ta sẽ mất hết nguồn lực. Đã yếu thì càng phải tập hợp lực lượng, lực lượng ấy cần là tinh hoa”.
Đồng quan điểm, ông Lê Hải Anh, Giám đốc Dolphin Technology Vietnam Center, cho biết, từ năm 2010 đến nay, doanh nghiệp này duy trì tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực trung bình 20%/năm, tuyển dụng khoảng 30 kỹ sư/năm, hợp tác chặt với các trường đại học để tổ chức khóa học, thực tập và đào tạo chuyên sâu.
Dù vậy, theo ông Hải Anh, thực trạng số lượng nhân lực vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu thị trường, đặc biệt là nhân lực có nhiều năm kinh nghiệm. Điều này thể hiện ở sự cạnh tranh tuyển dụng gắt gao khi có công ty mới mở văn phòng hoạt động tại Việt Nam. Mặt bằng lương trong ngành cũng có xu hướng tăng nhanh.
Trong khi đó, còn tình trạng sinh viên ra trường thiếu kỹ năng; chênh lệch trình độ giữa sinh viên các trường; ít người có chuyên môn cao về các lĩnh vực đặc thù như backend (physical design), analog, UVM verification… Đặc biệt, nhân lực quản lý cho riêng ngành thiết kế vi mạch chưa có, doanh nghiệp phải tự đào tạo nội bộ.
Ai sẽ dẫn dắt công ty công nghệ Việt vươn ra toàn cầu?
Hội thảo đặt vấn đề Việt Nam đang thiếu một đội ngũ lãnh đạo công nghệ, những người có khả năng dẫn dắt các công ty nội địa vươn ra toàn cầu.
Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), chỉ ra, hiện các chính sách tập trung về phát triển kỹ sư, chuyên gia bán dẫn, song lãnh đạo công nghệ, công ty bán dẫn - những người cầm trịch dẫn dắt doanh nghiệp vẫn mờ nhạt.
Mục tiêu trong chương trình Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
“Ai sẽ là người dẫn dắt các công ty công nghệ Việt vươn ra toàn cầu? Ai sẽ đưa Việt Nam vào top 500, top 50 thậm chí top 10 doanh nghiệp công nghệ toàn cầu?”, ông Thịnh đặt câu hỏi.
Hệ thống giáo dục hiện nay, dù đã có những cải tiến, vẫn chia thành hai hướng: đào tạo kỹ sư chuyên sâu hoặc các chương trình MBA truyền thống. Song, lãnh đạo công nghệ cần một sự kết hợp đặc biệt – kiến thức kỹ thuật sâu rộng, tư duy chiến lược sắc bén và khả năng "nói chuyện" với cả nhà đầu tư lẫn thị trường toàn cầu.
“Việt Nam cần một chiến lược đồng bộ, dài hơi. Trước hết, cần thiết lập các chương trình đào tạo liên ngành, kết hợp giữa công nghệ và quản trị chiến lược. Các chương trình này không chỉ dạy về lập trình hay tài chính,” mà còn phải trang bị kiến thức về sở hữu trí tuệ, gọi vốn và xu hướng công nghệ toàn cầu. Hợp tác với các trường danh tiếng như MIT, Stanford hay Harvard, dù tốn kém, là một khoản đầu tư xứng đáng để tạo ra những lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu”, ông Thịnh đề xuất.
Theo chuyên gia, cần tạo cơ hội cho các lãnh đạo trẻ cọ xát thực tiễn. Đặc biệt, có thể cân nhắc đến các chính sách đặc biệt cho nhóm đối tượng lãnh đạo công nghệ cao là người Việt ở nước ngoài để thu hút họ về Việt Nam, giữ chân nhân tài như miễn thuế thu nhập cá nhân, cấp ngân sách nghiên cứu,... và quan trọng hơn, được trao quyền thực sự trong các dự án quốc gia.
“Nhiều lãnh đạo ở Việt Nam đi lên từ rèn luyện nội bộ, như Viettel, FPT... Họ là những ví dụ sống động cho thấy: nếu có môi trường, có cơ chế, nhân lực Việt hoàn toàn có thể vươn lên đẳng cấp quốc tế. Nhưng điều Việt Nam cần không chỉ là một số cá nhân tiêu biểu, mà là một đội ngũ đông đảo, chất lượng và liên tục được ươm tạo. Lãnh đạo cần được “tôi luyện” trong các dự án phức tạp, quy mô lớn, có yếu tố toàn cầu, nơi buộc phải va chạm với thị trường, pháp lý quốc tế và sức ép cạnh tranh liên tục”, Phó giám đốc NIC dẫn chứng.
Đỗ Kiều
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//cong-nghe/can-mot-bai-toan-lon-tap-hop-nhan-luc-thiet-ke-chip-cho-viet-nam-1107825.html