Hai vế cốt lõi khi đặt tên xã mới
Sau khi tỉnh Quảng Trị công bố đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã để lấy ý kiến cử tri thì nhận được nhiều ý kiến dư luận cho rằng đặt tên xã mới theo số thứ tự và phương hướng (tên huyện + 1, 2, 3...; tên huyện + đông, tây, nam, bắc) mang tính đánh số cơ học, cứng nhắc, thiếu đặc thù về địa lý và không thể hiện được chiều sâu lịch sử, văn hóa của vùng đất.
Một góc TP. Đông Hà - Ảnh: Q.H
Nắm bắt tâm tư của Nhân dân, lắng nghe ý kiến dư luận, các huyện đã họp thống nhất đề xuất tên mới. Đơn cử, huyện Triệu Phong chọn các tên Triệu Phong, Ái Tử, Triệu Bình, Triệu Cơ, Nam Cửa Việt lần lượt thay cho phương án cũ là Triệu Phong 1 đến Triệu Phong 5. Gio Linh thì chọn 3 tên mới Cồn Tiên, Cửa Việt, Bến Hải lần lượt thay cho Tây Gio Linh, Đông Gio Linh, Bắc Gio Linh; riêng tên xã Gio Linh giữ nguyên như phương án cũ. Trong khi đó, Hải Lăng chọn Diên Sanh, Hải Lăng, Câu Nhi, Vĩnh Định, Mỹ Thủy lần lượt thay cho Hải Lăng, Tây Hải Lăng, Nam Hải Lăng, Trung Hải Lăng và Đông Hải Lăng.
Là người đã có nhiều chia sẻ góp ý tâm huyết về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàn, nguyên Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị (cũ) bày tỏ sự phấn khởi khi các chính quyền địa phương đã lắng nghe dư luận và có sự điều chỉnh kịp thời. Ông Hoàn cũng đưa ra thêm những gợi ý để cấp có thẩm quyền đi đến quyết định cuối cùng cho bảng danh sách các xã mới.
Theo ông Hoàn, nguyên tắc khi đặt tên xã tại nghị quyết của Quốc hội cũng như quyết định của Chính phủ khi phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp nhấn mạnh đến 2 vế mang tính cốt lõi.
Thứ nhất, tên xã phải cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, đảm bảo tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương.
Thứ 2, tên phải phát huy lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp xu thế hội nhập. Có lẽ do các huyện chưa bám kỹ vào 2 điểm nhấn này và chưa có sự chỉ đạo thống nhất về cách đặt tên xã trên toàn tỉnh nên mới xảy ra tình trạng đặt tên máy móc như vậy. “Nếu có một tiêu chí xuyên suốt thống nhất trong tỉnh thì các huyện đã đỡ lúng túng ngay từ đầu.
Ví dụ khi Gio Linh đặt tên xã Cửa Việt thì Triệu Phong phải đặt Nam Cửa Việt để lấy tên Cửa Việt là một cửa biển nổi tiếng, quan trọng trong lịch sử của Quảng Trị và đất nước. Khi Cửa Việt được lấy tên thì theo logic huyện Vĩnh Linh phải lấy tên Cửa Tùng cũng là một địa danh nổi tiếng cho đặt xã mới. Cũng theo logic đó, Hải Lăng phải lấy Mỹ Thủy. Đó là sự xuyên suốt trong việc chọn các địa danh, cửa biển để đặt tên”, ông Hoàn nêu quan điểm.
Ông Hoàn phân tích thêm, việc chọn Mỹ Thủy để đặt tên là chú trọng đến yếu tố phát huy lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp xu thế hội nhập. Bởi vì Mỹ Thủy là cảng nước sâu, là lõi của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, chính là lợi thế so sánh của mảnh đất Quảng Trị. Hơn nữa, cảng biển nước sâu này là cực phát triển không chỉ riêng Quảng Trị mà cả vùng trên Hành lang kinh tế Đông - Tây nên đặt tên Mỹ Thủy mới mang tính hội nhập. Hay việc chọn Cửa Việt, Cửa Tùng vừa phù hợp yếu tố văn hóa, lịch sử vừa phát huy lợi thế phát triển du lịch.
Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Trần Hữu Anh, tên các xã, phường sau sắp xếp là do các huyện, thị xã, thành phố đề xuất. Trên cơ sở đó, Sở Nội vụ tổng hợp và lập đề án để lấy ý kiến của Nhân dân. Khi làm phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, theo chủ trương của trung ương thì khuyến khích đặt theo số thứ tự để thuận tiện cho việc số hóa. Tuy nhiên, trung ương chỉ khuyến khích chứ không áp đặt, tùy vào từng địa phương. Chính vì thế mà ở Quảng Trị có một số huyện đã đề xuất đặt tên xã mới theo số, phương hướng.
Cần một cuộc rà soát kỹ lưỡng cuối cùng
Theo kế hoạch, Sở Nội vụ tổng hợp ý kiến của Nhân dân về đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thành trong ngày 22/4. Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh để xem xét, ban hành nghị quyết thông qua chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã từ ngày 25 - 27/4. Quảng Trị dự kiến hoàn thành trình Chính phủ hồ sơ đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã trước ngày 1/5.
Ông Nguyễn Hoàn cho rằng, từ việc điều chỉnh tên xã mới sau lắng nghe ý kiến dư luận và Nhân dân đến các khâu duyệt trình văn bản qua nhiều cấp cơ bản đáp ứng được những tiêu chí khi chọn tên. Tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định cuối cùng cần một cuộc tổng rà soát.
“Theo tôi, ban chỉ đạo sắp xếp ĐVHC của tỉnh cần một cuộc họp để soát xét lại kỹ lưỡng, trên cơ sở tập hợp trí tuệ từ dưới lên thông qua góp ý của những nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu và người am hiểu văn hóa, lịch sử địa phương Quảng Trị. Tên xã phải có hồn, phải có sức lay động vì mỗi vùng đất chất chứa bao trầm tích văn hóa trong nó”, ông Hoàn bày tỏ.
Cùng quan điểm, ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị nói việc điều chỉnh đặt tên xã mới là biết lắng nghe dư luận nhưng vẫn chưa chuẩn lắm. “Theo tôi, tỉnh cần phải có một cuộc để rà soát lại, thay đổi lại, để áp từ huyện này qua huyện kia sao cho hợp lý, có cái nhìn tổng quan. Đây chính là cơ sở khoa học để Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh. Về mặt chính quyền phải có một hội đồng để quyết định chuyện này”, ông Thọ nêu.
Về vấn đề này, qua trao đổi trước đó, Phó giám đốc Sở Nội vụ Trần Hữu Anh có nhấn mạnh nếu Nhân dân đồng tình theo ý kiến nào thì địa phương phải điều chỉnh tên xã theo ý kiến đó. Trên cơ sở ý kiến các địa phương, Sở Nội vụ tập hợp và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Quang Hải