Thảo luận tại Tổ 5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
Cạnh tranh bằng tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ là biện pháp cạnh tranh khôn ngoan nhất
Tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) nhấn mạnh, tiêu chuẩn hóa là một trong những công cụ giúp quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ một cách hiệu quả.
Sau gần 20 năm, khoa học công nghệ và thực tế xã hội của nước ta đã thay đổi rất lớn; từ lúc chỉ đơn thuần có Hiệp định Thương mại tự do (WTO), đến nay Việt Nam đã tham gia hơn 10 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Do đó, cần có tư duy mới, cách làm mới về quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa dựa trên hoạt động tiêu chuẩn hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, các FTA thế hệ mới và điều kiện hiện nay của nước ta. Qua đó, bảo đảm tiêu chuẩn là công cụ để quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo điều kiện để hàng hóa lưu thông tự do.
ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) phát biểu
“Tiêu chuẩn phải là động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Cạnh tranh bằng tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ là biện pháp cạnh tranh khôn khoan nhất”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ lý do tại sao Việt Nam lại có tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn quốc gia cùng song song tồn tại, trong khi đó rất ít quốc gia trên thế giới ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia?
Một trong những chính sách định hướng để sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành là tăng cường xã hội hóa hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn. Để luật hóa chủ trương này, một số đại biểu cho rằng, không chỉ dừng ở việc mở rộng các đối tượng được tham gia góp ý vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam, mà nên giao hội, hiệp hội được trực tiếp xây dựng, ban hành một số tiêu chuẩn.
Theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, nên thiết lập 2 loại tiêu chuẩn là Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) và Tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng (TCH) theo nguyên tắc: TCVN do Nhà nước xây dựng, tập trung nguồn lực xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến quốc phòng - an ninh, còn các lĩnh vực khác, yêu cầu phải chứng nhận sự phù hợp thì nên trao quyền cho các hội, hiệp hội ban hành.
Đồng thời, quy định điều kiện đối với hội, hiệp hội đủ năng lực xây dựng tiêu chuẩn, quản lý chương trình chứng nhận tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục bạn hành tiêu chuẩn hội, hiệp hội ngành hàng. Thiết lập cơ chế để các hội, hiệp hội ngành nghề có đủ công cụ để giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc chấp nhận tiêu chuẩn hội và cho phép các hiệp hội đủ điều kiện ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm và quản lý chương trình chứng nhận sản phẩm.
Các hội, hiệp hội có thể chủ động quy hoạch số lượng tổ chức chứng nhận để thiết kế, thử nghiệm trong công tác quản lý chương trình chứng nhận của hội. Nhà nước bảo hộ TCH thông qua việc xác nhận quyền tác giả đối với các tiêu chuẩn này.
“Cái gì có tiêu chuẩn hãy để cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp (chứng nhận, thử nghiệm, công nhận) thực hiện; các cơ quan quản lý nhà nước thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của các tổ chức đánh giá sự phù hợp đủ năng lực theo các chuẩn mực quốc tế và quy định của nhà nước (nếu cần)”, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đề nghị.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu
Nguồn lực cho xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hiện nay chủ yếu từ ngân sách nên rất hạn chế dẫn đến số lượng, tính đa dạng của TCVN được công bố hàng năm chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường, tổ chức và doanh nghiệp.
Nêu thực tế trên, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, bên cạnh các quy định hiện nay trong dự thảo Luật về xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn, thì cần rà soát, nghiên cứu để quy định đầy đủ, chi tiết hơn về chính sách này. Nghiên cứu quy định các chính sách, cơ chế ưu đãi cụ thể, như hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất… cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa, nhất là đối với các lĩnh vực mới.
Quy định rõ ràng hơn hiệu lực, cách thức áp dụng tiêu chuẩn
Cũng theo đại biểu Nguyễn Phương Tuấn, cần nghiên cứu xem có thực sự cần thiết ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương hay không? Bởi, qua khảo sát thực tế việc xây dựng Luật vừa qua cho thấy, chỉ có rất ít địa phương ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương và nếu có ban hành thì nội dung dường như không khác gì nhiều so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, trong khi trình tự, thủ tục để ban hành văn bản này mất rất nhiều thời gian, phải lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan…
Mặt khác, theo đại biểu, cũng cần khẩn trương đưa các tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc sở hữu Nhà nước thành các công ty cổ phần nhằm bảo đảm công bằng giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp sở hữu tư nhân với các tổ chức đánh giá sự phù hợp thuộc sở hữu nhà nước. Điều này bảo đảm tất cả các tổ chức đánh giá sự phù hợp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều tuân theo một chuẩn mực quốc tế.
Có như vậy thì nguyên tắc của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) “một chuẩn mực, một lần đánh giá, có giá trị khắp mọi nơi” mới có ý nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh hàng hóa cho các doanh nghiệp Việt Nam, đại biểu nêu rõ.
ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu
Hiện nay, trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định cụ thể về hiệu lực của tiêu chuẩn Việt Nam và việc phải áp dụng phiên bản nào của tiêu chuẩn này? Điều này dẫn đến có những trường hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trích dẫn đến việc áp dụng cứng tiêu chuẩn Việt Nam mà không nói đến việc khi tiêu chuẩn hết hiệu lực thì áp dụng tiêu chuẩn phiên bản mới thay thế cho tiêu chuẩn cũ khiến tổ chức, cá nhân vẫn thực hiện chứng nhận, công bố áp dụng đúng TCVN cứng đã trích dẫn trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dù đã hết hiệu lực.
Ngoài ra, có một số tổ chức, cá nhân cho rằng, việc áp dụng tiêu chuẩn là tự nguyện, việc hủy bỏ tiêu chuẩn Việt Nam cũ cũng không cấm việc áp dụng tiêu chuẩn phiên bản cũ, nên họ vẫn có quyền áp dụng tiêu chuẩn phiên bản cũ. Trong khi đó, các tổ chức đánh giá sự phù hợp vẫn thực hiện chứng nhận hợp quy trên cơ sở áp dụng TCVN phiên bản cũ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố bãi bỏ.
Nêu ra thực tế này, ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) đề nghị, trong lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lần này cần nghiên cứu, rà soát để quy định rõ hơn hiệu lực, cách thức áp dụng tiêu chuẩn rõ ràng hơn. Ban hành hướng dẫn cụ thể đối với trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong việc công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, môi trường.
Lê Bình